Đã hơn 1 tháng trôi qua kể từ ngày cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đi qua, cho dù hậu quả để lại là hết sức nặng nề, nhưng với nhiều người, vẫn không thể quên được tình người trong nước lũ.
Ngay khi xuất hiện những địa phương, gia đình bị ngập, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã có những hoạt động cứu trợ cho bà con. |
Được tận mắt chứng kiến và cùng tham gia hỗ trợ với một số nhóm thiện nguyện của nhiều người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước, chúng tôi không khỏi xúc động về những hành động cao đẹp, đậm chất “đồng bào” ấy.
Ngay từ khi biết tin nhiều nhà dân bị ngập, chưa biết phải ăn ngủ ở đâu thì rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đã nhường phòng ở, phòng cho thuê, thậm chí miễn phí cả ăn uống để giúp đỡ những hộ dân gặp khó khăn. Nhiều người cũng tạm thời gác việc kinh doanh buôn bán, hoặc do không thể đến được chỗ làm trong những ngày lũ… đã tình nguyện đến các xã, phường chia phát quà của những nhà hảo tâm đến các gia đình bị chia cắt.
Đã có nhiều nhóm thiện nguyện, cứu trợ được lập ra trên các nền tảng mạng xã hội để tạo sự kết nối giữa những người có cùng mong muốn được giúp đỡ người dân vùng lũ. Người có của, góp của; người có phương tiện, giúp vận chuyển 0 đồng; người có sức, góp sức… trên tinh thần ai có gì góp đó, không kể nhiều hay ít, tất cả đều một lòng hướng về người dân vùng lụt, với mong muốn được sẻ chia, giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn, bảo đảm an toàn tính mạng.
Cảm động nhất có lẽ vẫn là đội tham gia cứu hộ các hộ dân ở những xã bị cô lập. Nhiều thông tin “SOS” phản ánh chỗ này ở TP. Thái Nguyên có người già cần được đưa ra khỏi vùng ngập; chỗ kia có trẻ em bị sốt, ốm, mà điện thoại thì sắp hết pin…
Những thông tin như vậy chốc chốc lại được đăng tải trên nhiều hội nhóm trong chiều mùng 9 và ngày 10-9 khiến chúng tôi không khỏi sốt ruột, bồn chốn. Từ chiều 10-9, khi khu vực TP. Thái Nguyên tạm ổn, thì những thông tin xin cứu trợ lại đổ về khu vực Phú Bình, Phổ Yên…
Bên cạnh những thông tin chuyển đi, là những thông tin thông báo đã/đang có thuyền ra điểm này, điểm kia đón người mắc kẹt, để nhờ mọi người báo tin cho người quen/người nhà biết sắp có thuyền ra, nhớ bật đèn làm tín hiệu; rồi cả những trường hợp đã được giải cứu cũng được đăng tải lên nhóm…
Những thông tin như thế phần nào giúp chúng tôi cảm thấy ấm áp, nhẹ lòng. Những ngày sau đó, các tỉnh, thành khác lại rơi vào ngập lụt như Thái Nguyên, nhiều thành viên trong các nhóm thiện nguyện lại tiếp tục có những hoạt động hỗ trợ cho đến tận những ngày đầu tháng 10…
Với nhiều người, dù đã qua tuổi 60-70 nhưng chưa khi nào phải chứng kiến một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp đến thế. Dù vậy, ở một khía cạnh khác, họ lại bảo, cơn bão đã “giúp” họ cảm nhận thật rõ nghĩa tình đồng bào của những người dù chưa một lần gặp mặt. Còn với những người làm báo chúng tôi, được chứng kiến những câu chuyện, hình ảnh cảm động ấy, mỗi người đều tự nhủ, cần phải sống trách nhiệm hơn nữa với xã hội, với công việc mà mình đang làm.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin