Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) luôn đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và trở thành động lực then chốt trong tiến trình đổi mới, phát triển. Phát huy vai trò đó, năm 2022, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên tiếp tục được quan tâm nghiên cứu, ứng dụng và phổ biến sâu rộng trong thực tiễn đời sống, sản xuất, góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN, thăm mô hình chuyển giao công nghệ tiên tiến trong sản xuất chè hữu cơ tại xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên). |
TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN, cho biết: Năm 2022, hoạt động KH&CN không nằm ngoài ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng tập thể lãnh đạo Sở KH&CN đã chỉ đạo các phòng, đơn vị hoàn thành tốt mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Ngành đã triển khai thực hiện tốt các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ KH&CN.
Theo đó, trong năm, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các quyết định: về danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực KH&CN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; danh mục nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh; danh mục nhiệm vụ KH&CN về Quỹ gen cấp tỉnh thực hiện từ năm 2022...
Trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động nghiên cứu triển khai nhiệm vụ KH&CN, ngoài tổ chức các hội đồng tư vấn tuyển chọn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, Sở đã thực hiện quản lý hoạt động nghiên cứu triển khai đối với 85 nhiệm vụ KH&CN, trong đó có 65 nhiệm vụ cấp tỉnh (nông nghiệp 22 nhiệm vụ; khoa học y dược 11 nhiệm vụ; khoa học tự nhiên và kỹ thuật công nghệ 19 nhiệm vụ; khoa học xã hội và nhân văn 13 nhiệm vụ); 20 nhiệm vụ quỹ gen cấp tỉnh; 3 nhiệm vụ Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với Đại học Thái Nguyên; 5 dự án Chương trình phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi.
Cán bộ Sở KH&CN hướng dẫn doanh nghiệp tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp KH&CN. |
Thực tế cho thấy, đã có nhiều đề tài, dự án được ứng dụng cao trong đời sống. Chẳng hạn như Dự án ứng dụng các sản phẩm KHCN cao trong sản xuất chè an toàn theo hướng hữu cơ trên địa bàn TP. Thái Nguyên; Đề tài nghiên cứu quy trình chế tạo bộ KIT Multiplex Realtime PCR phát hiện một số tác nhân thường gặp gây nhiễm khuẩn ở các bệnh viện tại Thái Nguyên; Đề tài ứng dụng KHCN để tăng năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa sản phẩm Trà hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cho ngành Chè tỉnh Thái Nguyên…
Đối với công tác quản lý công nghệ, doanh nghiệp KH&CN, Sở tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh hoạt động thẩm định và cho ý kiến vào các dự án đầu tư. Theo đó, thẩm định và cho ý kiến về công nghệ đối 20 dự án đầu tư; cấp 1 giấy đăng ký chuyển giao công nghệ cho Công ty TNHH KHVATEC HANOI. Ngoài ra, đơn vị cũng luôn quan tâm, hướng dẫn các doanh nghiệp tiềm năng về hồ sơ thủ tục chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN theo quy định.
Nhằm giúp mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ khơi dây khát vọng đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN đã tổ chức nhiều hoạt động, như: hội nghị kết nối phân tích đánh giá nhu cầu khai thác sử dụng nền tảng trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh; hỗ trợ tham gia Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Techfest Việt Nam năm 2022 tại Lai Châu và Ngày hội khởi nghiệp Techfest Hải Phòng 2022.
Đặc biệt, trong hoạt động sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục về sở hữu công nghiệp; xây dựng các hồ sơ, thủ tục để chuyển đổi nhãn hiệu chứng nhận “Miến Việt Cường Hóa Thượng” (xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ); tổ chức Hội nghị công bố nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” được bảo hộ tại Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc; thường xuyên hướng dẫn các cơ sở sản xuất - kinh doanh sản phẩm chè có sử dụng Chỉ dẫn địa lý Tân Cương; tổng hợp thống kê việc đăng ký sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Cục Sở hữu trí tuệ, trong năm 2022, toàn tỉnh Thái Nguyên có 125 nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ.
Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn bức xạ cũng thường xuyên được Ngành quan tâm. Theo đó, cơ quan chuyên môn đã tiến hành hướng dẫn, thẩm định và cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, chứng chỉ nhân viên bức xạ, xác nhận khai báo thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế; triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ hạt nhân thuộc Kế hoạch thực hiện chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025…
Có thể thấy, trong năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ, nhưng những kết quả ngành KH&CN đạt được trên tất cả các lĩnh vực rất đáng được ghi nhận.
Theo TS. Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở KH&CN: Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu, đề xuất, xây dựng kịp thời các cơ chế chính sách, cụ thể hóa quy định về hoạt động KH&CN của Trung ương, bám sát với tình hình thực tế tại địa phương. Qua đó, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, quan trọng, thúc đẩy hoạt động KH&CN. Cùng với đó, tăng cường, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước về KH&CN, triển khai các đề tài, dự án tập trung theo hướng nghiên cứu ứng dụng cao, tạo ra những mô hình, sản phẩm có hiệu quả kinh tế và ý nghĩa thực tiễn nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin