Như một lời tri ân

Hằng Nga 09:01, 23/12/2022

Vượt qua 154 dự án thuộc 18 lĩnh vực nghiên cứu, Dự án “Mô phỏng Di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ Thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, dựa trên kỹ thuật xử lý các hiệu ứng của công nghệ thực tế ảo tăng cường” của nhóm học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT IRIS là một trong 2 dự án được trao giải Nhất cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2022-2023.

Dự án là lời tri ân sâu sắc của các thầy cô giáo, học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT IRIS tới các Anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.
Dự án là lời tri ân sâu sắc của các thầy, cô giáo và học sinh Trường Tiểu học, THCS, THPT IRIS với các Anh hùng liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái.

Những ngày này, Trần Phương Thảo và Nguyễn Đức Dương, học sinh lớp 9A1, Trường Tiểu học, THCS, THPT IRIS, cùng 2 cô giáo hướng dẫn là Th.s Nguyễn Thị Nguyệt, Th.s Đặng Thị Hoàng Hà đang tiếp tục rà soát lại các nội dung của Dự án trước khi tham dự cuộc thi Khoa học, kỹ thuật (KHKT) dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia.

Trường Tiểu học, THCS, THPT IRIS đứng chân trên địa bàn phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên), nơi có Khu di tích lịch sử quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (Khu di tích).

Từ sự gợi mở của 2 cô giáo, bằng những hiểu biết về một số phần mềm và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, Thảo và Dương đã mạnh dạn đăng ký thực hiện dự án KHKT thiết kế và sử dụng kĩ thuật ảo tăng cường phục vụ cho việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Thái Nguyên Anh hùng, giàu truyền thống lịch sử.

Trong quá trình thực hiện Dự án, nhóm tác giả gặp không ít khó khăn. Trao đổi cùng chúng tôi, Nguyễn Đức Dương cho biết: Để thực hiện được Dự án này, em và bạn Thảo nhiều lần đến Khu di tích, nhờ hướng dẫn viên giới thiệu để hiểu sâu sắc hơn cuộc sống gian khổ và sự hy sinh của 60 TNXP. Chúng em chụp, ghi hình và tiến hành đo đạc các thông số kỹ thuật cần thiết. Khó khăn lớn nhất đối với chúng em là mô phỏng, lắp ghép các hình ảnh, thông số kỹ thuật, đảm bảo đầy đủ các chi tiết thực tế giống đến trên 90%... Chúng em đã nhờ chuyên gia kỹ thuật phần mềm, các giảng viên đại học tư vấn thêm.

Còn Trần Phương Thảo chia sẻ: Ở Thái Nguyên có rất nhiều bảo tàng trưng bày các hiện vật phục vụ công tác giảng dạy chương trình lịch sử địa phương. Tuy nhiên, ở các trường học, đặc biệt là những trường vùng sâu vùng xa, học sinh ít được tham quan các bảo tàng vì nhiều lí do, như: Điều kiện thời gian, kinh phí, phương tiện đi lại… Tạo ra bảo tàng thực tế ảo tăng cường mô phỏng Khu di tích, Dự án của chúng em không chỉ là lời tri ân các Anh hùng liệt sĩ Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái mà qua đó chúng em muốn giới thiệu rộng rãi về Khu di tích cho du khách trong và ngoài nước.

Sau 3 tháng thực hiện, Dự án đã được đánh giá với điểm số cao nhất Trường. Tham dự cuộc thi KHKT dành cho học sinh THCS TP. Thái Nguyên, Dự án vượt qua 54 dự án khác để được trao giải Nhất. Đặc biệt, trong cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, đây cũng là 1 trong 2 dự án xuất sắc được trao giải Nhất.