Thời gian qua, một số hạn chế trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đã phần nào làm suy giảm niềm tin trong nhân dân đối với đội ngũ lãnh đạo cũng như những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái. Những sai lầm, khuyết điểm đã và đang được nhận diện, xử lý nghiêm với nguyên tắc không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Trong thời gian tới, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cần tiếp tục được đặt ra với những yêu cầu ngày càng cao hơn.
"Nêu gương" đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là một phương thức lãnh đạo của Ðảng và thành phần cốt yếu của văn hóa Ðảng. (Ảnh: tapchicongsan.org.vn) |
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị có vai trò dẫn dắt, chèo lái, quyết định trực tiếp đến kết quả tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình, kế hoạch cũng như sự thành công hay thất bại của cơ quan, đơn vị.
Do đó, thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo cơ quan, đơn vị là một trong những yêu cầu có ý nghĩa quan trọng. Xác định rõ vai trò của thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, trong bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ năm 1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”(1).
Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý như: Quy định số 101-QĐ/TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐ/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”…
Nhờ đó, những năm qua, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương và chuẩn mực đạo đức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong đó có vai trò tiên phong gương mẫu trong đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đã có chuyển biến tích cực.
Nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị đã trở thành tấm gương mẫu mực không chỉ về đạo đức, lối sống, mà còn trong công tác, có trách nhiệm với công việc, thực hiện nói đi đôi với làm, hết lòng phụng sự Đảng, nhân dân, được nhân dân tin yêu, quý trọng.
Tuy nhiên, việc nhận thức và thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu có lúc có nơi vẫn còn hạn chế, chưa lan tỏa rộng khắp. Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu chưa có năng lực, phẩm chất ngang tầm với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình mới.
Không ít người đứng đầu, trong đó có cán bộ cấp chiến lược còn có những biểu hiện thiếu gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện cũng như trong công việc, mới chỉ dừng lại ở việc “hô hào”, “khẩu hiệu”, “nói không đi đôi với làm”, “nói nhiều, làm ít” làm ảnh hưởng uy tín của người đứng đầu đối với nhân viên, cấp dưới và nhân dân.
Một bộ phận khác thì chưa tuân thủ các nguyên tắc của Đảng; còn cá nhân chủ nghĩa, hay bè phái, cục bộ, gây mất đoàn kết nội bộ; chưa nêu cao ý thức trách nhiệm trước tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân. Trong nhiều cơ quan, đơn vị, việc thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, người đứng đầu nói riêng vẫn chưa trở thành nền nếp, hiệu quả chưa cao.
Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu không gương mẫu trong nhận trách nhiệm và ý thức “tự chịu trách nhiệm”, chưa có “văn hóa từ chức” khi để xảy ra những sai phạm lớn. Còn có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho cấp dưới, cơ chế, hoàn cảnh. Trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu còn chưa được xác định rõ. Khi bị phát hiện sai phạm thì tìm mọi cách “chạy chọt” để “chạy tội”, “chạy án”…
Có nơi, có chỗ thực hiện xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm còn chưa nghiêm, chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, trách nhiệm và việc nêu gương của một số người đứng đầu đối với nhân dân còn hạn chế, nhận thức chưa đầy đủ về công tác dân vận, chưa hiểu đúng về mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Không ít người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền với dân, thậm chí thờ ơ, xa dân; chưa sâu sát thực tế, cơ sở; chưa thật sự lắng nghe, quan tâm, giải quyết thỏa đáng, kịp thời những bức xúc, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; còn xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đông người, vượt cấp, kéo dài ở nhiều nơi. Ở một số địa phương, người đứng đầu chưa thật sự coi trọng thực hành dân chủ ở cơ sở, chưa có ý thức “phê bình và tự phê bình”,… Những điều này đã tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong nhân dân.
Một bộ phận không nhỏ người đứng đầu có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, sa vào tiêu cực, tham nhũng, lãng phí… Từ năm 2013 đến nay, có tới hơn 11.700 vụ án bị xử lý về tham nhũng, chức vụ, kinh tế đều liên quan trách nhiệm của người đứng đầu.
Ở nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, trong số 3.200 cán bộ, đảng viên liên quan tham nhũng, có không ít cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, giữ chức vụ cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương quản lý nhưng thiếu gương mẫu, bị những ham muốn vật chất, quyền lực lấn át, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, có 110 cán bộ diện Trung ương quản lý; 4 Ủy viên và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 27 Ủy viên và nguyên Ủy viên Trung ương; 4 bộ trưởng và nguyên bộ trưởng; hơn 30 sĩ quan cấp tướng lực lượng vũ trang (2)… Những vi phạm này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Do việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu chưa tốt; trình độ, năng lực quản lý còn yếu kém; không chịu rèn luyện đạo đức, lối sống; không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của người cán bộ lãnh đạo, quản lý cho nên không ít người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đã gây ra nhiều sai phạm, vi phạm hành chính, pháp luật liên quan các dự án lớn gây ra thất thoát, thua lỗ lớn. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, có tới 14.000 tập thể và cá nhân vi phạm và bị xử lý trách nhiệm; thu hồi, xử lý tài chính hơn 700.000 tỷ đồng(3)…
Việc nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm của người đứng đầu này đã góp phần tích cực vào việc nêu gương, có tính giáo dục, răn đe cao, phòng ngừa các sai phạm, góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, cũng như những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị.
Những hạn chế trong thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu đã và đang bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng hòng bôi nhọ, xuyên tạc, thổi phồng khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước nhằm hạ thấp uy tín, chia rẽ, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta.
Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu về vai trò, trách nhiệm nêu gương, coi đây là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, nhằm nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và vai trò cầm quyền của Đảng.
Việc nêu gương và thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi, điều đó sẽ có tác dụng rất lớn trong tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Bên cạnh đó, phải thực hiện đồng thời việc phát huy tính tự giác nêu gương với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu theo quy định của Đảng nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tiêu cực, thiếu gương mẫu, giúp củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo và vai trò lãnh đạo của Đảng; đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối với cơ quan, tổ chức, tránh tình trạng đổ lỗi, trốn tránh trách nhiệm.
Song song với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm đối với người đứng đầu, thì việc lan tỏa rộng rãi những “tấm gương sáng”, hình ảnh đẹp, những “mẫu mực” trong đạo đức, lối sống, phong cách làm việc và những cống hiến cho quê hương, đất nước của không ít người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo Đảng và Nhà nước tới toàn thể nhân dân trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, là một việc làm quan trọng. Điều này có tác động tích cực, trực tiếp nhất đến việc “noi gương” và thực hiện trách nhiệm nêu gương của những người đứng đầu khác, đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.223.
(2) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb CTQGST, 2022, tr.393-395.
(3) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, Nxb CTQGST, 2022, tr.394.
TS Ngô Thị Nụ, Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin