Xây dựng dân dụng: Khởi sắc nhưng chưa sôi động

Chung An 09:35, 25/08/2022

Đến nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát nhưng do biến động về giá cả hàng hóa, xăng dầu, vật liệu xây dựng nên hoạt động xây dựng, sửa chữa nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại các thành phố đã khởi sắc hơn nhưng vẫn chưa sôi động như những năm trước.

Một công trình xây dựng nhà ở tại xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên.
Một công trình xây dựng nhà ở tại xã Huống Thượng, TP. Thái Nguyên.

Nhu cầu xây dựng nhà ở trên địa bàn TP. Thái Nguyên thường cao hơn các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên việc xây dựng, sửa chữa nhà ở của nhiều người dân được “gác lại”. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng nhà ở dần sôi động trở lại, đặc biệt là ở các khu vực vùng ven như: Xã Linh Sơn; phường Túc Duyên, Đồng Bẩm, Thịnh Đán,…. Dù vậy, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn của thành phố, nhu cầu xây dựng nhà ở hiện nay trên địa bàn vẫn chưa có nhiều biến động. Minh chứng rõ nhất là số hồ sơ xin cấp phép xây dựng đang giảm so nhiều so với những năm trước. 

Ông Đào Xuân Hòa, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Thái Nguyên, cho biết: Năm 2021, số hồ sơ xin cấp phép xây dựng vào khoảng 3.500 hồ sơ (giảm 10-15% so với những năm trước). Còn năm 2022, tính đến ngày 1-8 mới đạt hơn 1.800 hồ sơ, bằng gần 50% so với năm trước, dự tính đến hết năm nay, số hồ sơ xin cấp phép cũng không bằng năm ngoái.

Qua khảo sát trên địa bàn TP. Sông Công, chúng tôi nhận thấy nhu cầu xây dựng của người dân cũng khá trầm lắng so với những năm trước. Theo số liệu của Phòng Quản lý đô thị thành phố, số hồ sơ xin cấp phép xây dựng trên địa bàn đến đầu tháng 8-2022 là hơn 300 hồ sơ, bằng khoảng 60% so với năm 2021.

Lý giải nguyên nhân số hồ sơ cấp phép trên địa bàn giảm, đại diện các cơ quan chuyên môn cho rằng, ngoài  ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thu nhập của người dân bị giảm thì giá xăng dầu, nguyên vật liệu xây dựng, nhân công, cước vận chuyển… đều biến động theo chiều hướng tăng nên bà con dè dặt, tính toán kỹ khi xây dựng nhà ở mới.

Ông Nguyễn Văn Phong, một chủ thầu xây dựng, chia sẻ: Trung bình mỗi năm, chúng tôi nhận khoảng 20-25 công trình nhà ở của người dân, tập trung ở TP. Thái Nguyên, TP. Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ... Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây thì việc xây dựng của người dân giảm đi nhiều do mọi thứ đều tăng. Đơn cử như giá nhân công hiện nay là 380 nghìn đồng/người/ngày công, cao hơn 30 nghìn đồng so với năm trước; giá thuê cốt pha cũng tăng khoảng 10%. Do đó, giá xây dựng nhà ở tăng từ 10-15%, mỗi ngôi nhà khi xây dựng mới thời điểm này có thể tăng thêm vài trăm triệu đồng đến hơn tỷ đồng tùy quy mô.

Chị Nguyễn Thị Kiều, người dân xã Phúc Xuân (TP. Thái Nguyên), cho biết: Gia đình tôi định xây nhà mới từ năm ngoái. Tuy nhiên, khi khái toán số tiền căn cứ trên bản thiết kế trước đó vài tháng thì đã đội lên 300-400 triệu đồng nên tôi chưa quyết định làm. Gia đình tôi có thể sẽ phải thay đổi thiết kế và một số vật liệu để giảm chi phí.

Còn anh Nguyễn Chí Nghĩa, xóm Tân Thành 1, xã Tân Quang (TP. Sông Công), nói: Thời điểm này, giá thép có giảm hơn so với trước nhưng giá các loại vật liệu khác đều tăng. Theo tính toán xây dựng ngôi nhà của gia đình tôi, chi phí tăng lên khoảng 10% so với năm ngoái. Dù vậy, tôi vẫn quyết định làm, không chờ đợi vì không chắc giá vật liệu có giảm hay tiếp tục leo thang.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, nhu cầu về xây dựng nhà ở thời điểm này chưa sôi động như những năm trước nhưng đang có chiều hướng gia tăng khi nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch COVID-19. Dự báo, thị trường vật liệu xây dựng có thể tăng theo vào thời điểm này và thời gian tới, do vậy người dân nên tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn thời gian thi công phù hợp, giảm chi phí phát sinh. Các huyện, thành phố đã và đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương hướng dẫn người dân những thủ tục liên quan đến  xây dựng; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình đảm bảo thi công đúng theo quy định…