Phải khẳng định rằng, việc nhiều người lao động rời quê hương đi làm ăn xa là một yếu tố tích cực, rõ nét nhất là lợi ích kinh tế đem lại cho gia đình và cả địa phương. Bên cạnh đó, việc thay đổi môi trường sống, làm việc đến những khu vực phát triển hơn còn là cơ hội để người lao động hòa nhập, tiếp thu, học hỏi để thay đổi tư duy, tích lũy kinh nghiệm, tài sản để có thể quay về khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Thế nhưng, phần thiệt thỏi ít nhiều vẫn thuộc về con trẻ.
Trẻ em vùng cao Võ Nhai tự chơi với nhau trong khi bố mẹ đi làm xa. |
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn
Không có bố mẹ thường xuyên bên cạnh khiến trẻ thiệt thòi nhiều về tình cảm, phát triển tâm lý tiêu cực nhiều hơn tích cực. Việc học tập có thể bị ảnh hưởng do thiếu sự dạy dỗ, kèm cặp và giám sát hằng ngày của bố mẹ.
Cô giáo Ngô Thị Hơn, Trường THCS Phú Đình, xã Phú Đình (Định Hóa), thông tin: Lớp 8B do tôi chủ nhiệm có 4 em học sinh có cả bố và mẹ, 16 em có bố hoặc mẹ đang đi làm ăn xa. Với các trường hợp này, nhìn chung việc quản lý, giáo dục từ phía gia đình có hạn chế nhất định; trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình cũng khó khăn hơn. Đối với học sinh nữ, đây là lứa tuổi có nhiều thay đổi về tâm, sinh lý nên rất cần sự chia sẻ, hướng dẫn của mẹ. Dù giáo viên có chú ý quan tâm thì cũng không thể thay thế được.
Cô giáo Ngô Thị Hơn, Trường THCS Phú Đình, xã Phú Đình (Định Hóa): Với những học sinh có bố mẹ đi làm xa nhà, chúng tôi quan tâm tìm hiểu về những khó khăn, vướng mắc trong học tập và sinh hoạt của các em. Đồng thời thường xuyên gặp gỡ người thân đang sống cùng các em, hoặc trao đổi qua điện thoại với bố mẹ các em, đảm bảo sự gắn kết giữa gia đình - nhà trường trong giáo dục trẻ. |
Với những đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, quãng thời gian thiếu vắng sự chăm lo của bố mẹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ tổn thương tâm sinh lý, hình thành tính cách như tự ti, hay căng thẳng, sợ hãi, chứng trầm cảm... PGS.TS. Phùng Thị Hằng, chuyên gia tâm lý, phân tích: Thực tế cho thấy, dù là nguyên nhân nào chăng nữa thì tình trạng sống xa bố mẹ đều có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ xét về mọi phương diện, cả xúc cảm, tình cảm, tính cách, ý chí cũng như hành vi. Trẻ thường xuyên thiếu thốn tình yêu thương, sự chăm sóc chu đáo của cha mẹ sẽ có tâm trạng bất an, nhút nhát và có xu hướng sống khép mình. Trong nhiều trường hợp, trẻ bị rối loạn tâm lý, hành vi, không tự kiểm soát được mình, có hành động gào khóc, thậm chí tự làm hại mình, làm hại người khác...
Trẻ em sống xa bố mẹ từ nhỏ nên không biết tâm sự, bày tỏ nỗi lòng cùng ai. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều em khó hòa nhập với xã hội, bỏ bê việc học và có nhiều hành vi lệch chuẩn hoặc trở thành nạn nhân của các loại tội phạm xâm hại.
Trường hợp cháu N.T.L, sinh năm 2007, ở thị trấn Chợ Chu (Định Hóa), là một ví dụ. N.T.L. có hoàn cảnh rất éo le. Bố mất sớm, mẹ làm công nhân tại Bắc Ninh nên L. ở cùng bà ngoại. Bản thân em có sức khỏe yếu và trí tuệ không được minh mẫn như người bình thường. Năm 2021, khi gia đình phát hiện thì L. đã mang thai được 27 tuần tuổi nên buộc phải để sinh. Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định đối tượng xâm hại lại có quan hệ họ hàng gần với nạn nhân. Mới ở tuổi 16, nhưng giờ đây, L. đã trở thành mẹ, mặc cảm tâm lý khiến em nghỉ học, ở nhà trông con.
Trung tá Phạm Đăng Long, Phó Trưởng Công an huyện Đại Từ trăn trở: Những năm gần đây, tình hình tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên hoặc trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Đáng lưu ý là phần lớn các trường hợp liên quan có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như bố mẹ ly hôn, gia đình thiếu bố hoặc mẹ, hay bố mẹ đi làm ăn xa nhà. Chính sự thiếu quan tâm, giáo dục con cái của gia đình đã dẫn tới tình trạng nhiều thanh thiếu niên không tu chí học hành, làm ăn mà thường xuyên tụ tập chơi bời, lêu lổng. Và hậu quả đáng tiếc là vi phạm pháp luật khi tuổi đời còn rất trẻ.
Trung tá Phạm Đăng Long, Phó Trưởng Công an huyện Đại Từ: Đối với các cháu có bố mẹ thường xuyên đi làm ăn xa, tôi nghĩ rằng cần có sự quan tâm đặc biệt, nhất là về tâm lý, cũng như trang bị cho trẻ những kỹ năng để phòng ngừa, tự bảo vệ. Ngoài vai trò của lực lượng Công an thì cần có sự chung tay vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự quản lý chặt chẽ từ phía gia đình. |
Không ít trường hợp trẻ bị đuối nước, tai nạn, hay xem tivi, điện thoại quá mức dẫn tới mang bệnh do bố, mẹ đi làm xa; ông bà, người thân quản lý, chăm sóc chưa đầy đủ… Trong nhiều trường hợp, vợ chồng sống xa nhau, nhất là trong nhóm đi làm ăn xa nhà lâu ngày hay xuất khẩu lao động, có thể gây ra những nguy cơ tan vỡ gia đình.
Một số gia đình có thay đổi vai trò giới khi người cha ở nhà nội trợ, người mẹ đi kiếm tiền khiến mâu thuẫn gia đình nảy sinh khi một trong hai vợ chồng không thể thích nghi... Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và kết quả học tập cũng như sự phát triển của trẻ em...
Để trẻ được đủ đầy yêu thương
Làm sao để hài hòa giữa mưu sinh, làm việc để có thu nhập nhưng nhưng vẫn có thể dành thời gian để quan tâm chăm sóc con cái là “bài toán” không dễ có lời giải. Tùy vào hoàn cảnh, mỗi gia đình lại lựa chọn những hướng đi riêng. Trong đó, nhiều người lao động chọn giải pháp lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương để được gần gũi gia đình, chăm sóc con cái.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, ở xóm Quang Minh, xã Phú Lạc (Đại Từ), chia sẻ: Sau khi thử sức với nhiều công việc ở thành phố, năm 2019 tôi quyết định về quê lập nghiệp với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng 800 triệu đồng được hỗ trợ thông qua dự án nông nghiệp của huyện, tôi dùng số vốn tích lũy được để san gạt đất đai, xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới... Sau 4 năm, đến nay vườn cây trái trong nhà lưới của tôi cho doanh thu khoảng 300 triệu đồng/năm. Thu nhập ổn định, con cái có điều kiện hơn để học hành, không phải chịu cảnh thiếu vắng cha mẹ, tôi nghĩ mình đã quyết định đúng.
Sau một thời gian đi làm ăn xa, anh Nguyễn Văn Hiếu (ở xóm Quang Minh, xã Phú Lạc, Đại Từ) về quê lập nghiêp để có nhiều hơn thời gian chăm sóc con cái. |
Để hỗ trợ người dân, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều đề án, chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đáng chú ý như: Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Thái nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2019-2025...
Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương) đã tham mưu, xây dựng nhiều đề án khuyến công hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn, cũng như khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống; phối hợp tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho bà con nông dân; tạo điều kiện hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển nghề mới để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT, Công ty CP Đầu tư quốc tế THAGACO… được xây dựng ở vùng nông thôn, giúp nhiều công nhân có thể đi về nhà trong ngày. Từ đó, họ có thời gian quan tâm con cái, giảm tỷ lệ trẻ em phải sống xa cha mẹ.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Phú Bình, cho hay: Những năm gần đây, tỷ lệ lao động đi làm ăn xa của huyện giảm nhiều, do sự phát triển của các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Điều này đã góp phần giải quyết việc làm đáng kể cho lao động nông thôn, người dân không cần đến các đô thị lớn để tìm việc làm như trước, đóng góp tích cực vào sự ổn định kinh tế - xã hội địa phương.
Với những đứa trẻ, điều quan trọng nhất chính là tình yêu thương của cha mẹ. Bởi những năm tháng ấu thơ, gia đình là cái nôi văn hóa đầu tiên hình thành nhân cách cho trẻ. Hơn nữa, xã hội ngày càng phát triển theo hướng hiện đại với nhiều vấn đề nảy sinh thì càng đòi hỏi phải có sự quan tâm thường xuyên, kịp thời của cha mẹ.
Đối với những trường hợp cha mẹ bắt buộc phải đi làm ăn xa, theo PGS.TS. Phùng Thị Hằng thì không phải là không có giải pháp: Muốn giáo dục toàn diện cho trẻ thì phải có sự kết hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, bố mẹ phải nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong giáo dục con cái, cần sự chia sẻ, lựa chọn thời điểm thích hợp để tâm sự với con, giúp con hiểu được là do sự mưu sinh, do hoàn cảnh mà bố mẹ phải đi làm xa.
Đặc biệt, bố mẹ phải thường xuyên quan tâm đến con. Ngoài gặp mặt trực tiếp, phụ huynh có thể tận dụng mạng xã hội, các phương tiện liên lạc để trò chuyện với con, để các con có cảm nhận rằng dù ở xa nhưng bố mẹ vẫn luôn quan tâm, chăm lo cho mình. Bên cạnh đó, cha mẹ cần thường xuyên giữ mối liên lạc với nhà trường, với thầy cô giáo để nắm bắt những diễn biến tâm lý, biểu hiện bất thường của con cái (nếu có) để tác động kịp thời...
Hài hòa giữa mưu sinh và từng bước lấp dần “khoảng trống” tuổi thơ cho các em là điều không dễ, vì vậy cần sự nỗ lực từ rất nhiều phía, sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng xã hội. Bởi lẽ, không có gì bằng đủ đầy yêu thương, trẻ em là để yêu thương!
Nhân rộng mô hình giúp đỡ trẻ em có bố mẹ đi làm ăn xa Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành hướng dẫn về việc triển khai đồng bộ các biện pháp chăm sóc, bảo vệ trẻ em theo ba cấp độ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại; giao trách nhiệm cho tổ chức phối hợp liên ngành về bảo vệ trẻ em các cấp, nhất là nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia nắm bắt tình hình về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn; kịp thời phát hiện các trường hợp trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, nhất là trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ đi làm ăn xa, hoặc có người liên quan đến tệ nạn xã hội. Xuất phát từ thực tế nhiều trẻ em nông thôn sống cùng ông bà hoặc họ hàng, thiếu vắng bàn tay chăm sóc, gần gũi của cha, mẹ vì phải đi làm ăn xa khiến các em thiếu thốn tình cảm và đối mặt với nhiều hệ lụy, một số địa phương như: Kim Động (Hưng Yên); Nghi Xuân (Hà Tĩnh); Chi Lăng (Lạng Sơn)… đã thành lập mô hình câu lạc bộ “Khi mẹ vắng nhà” do hội phụ nữ chủ trì. Đây là mô hình nhằm giúp các em có điều kiện được giúp đỡ, chia sẻ và trang bị những kiến thức cần thiết, giúp các em tự chăm lo bản thân, biết phụ giúp gia đình, làm người có ích. Bên cạnh hỗ trợ, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ, các đoàn thể và cộng đồng ở cơ sở sẽ tích cực tham gia phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ xâm hại, bạo lực trẻ em, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin