Nhiều năm nay, công trình đập Đồng Chốc ở xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) cung cấp nước tưới phục vụ cho cánh đồng mẫu lớn có diện tích 160ha đất lúa, hoa màu của người dân 3 xóm: Đồng Chốc, Cầu Gai và Quang Trung. Nhưng do không được gia cố, sửa chữa thường xuyên nên công trình đã bị xuống cấp, gây khó khăn cho việc điều tiết nước phục vụ sản xuất…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, công trình đập Đồng Chốc được xây dựng từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước. Năm 1997, đập được sửa chữa, nâng cấp 2 mố đập, đổ sân tiêu năng, mái đập và hệ thống kênh mương dẫn nước.
Ông Mai Văn Nguyên, người uy tín của xóm Đồng Chốc cho biết: Đập dâng nước này từ khi được tu sửa lại đã đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất của nhân dân. Những chân ruộng cao bị bỏ hoang nhiều năm đã được đưa vào canh tác, năng suất lúa tăng cao, trung bình đạt khoảng 53-54 tạ/ha. Cuộc sống người dân nhờ vậy no đủ, không lo thiếu đói như nhiều năm trước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng mưa ít cộng với thời tiết hanh khô, nắng nóng kéo dài đã làm giảm lượng sinh thủy tại khu vực rừng đầu nguồn của đập, gây ra tình trạng hạn hán ảnh hưởng đến việc cung cấp nước phục vụ sản xuất cho cánh đồng mẫu lớn này.
Thêm nữa, theo nhiều người dân, tại khu vực rừng đầu nguồn Ba Khe nhiều năm gần đây diễn ra hoạt động khai thác, tuyển rửa khoáng sản nên nguồn nước từ thượng nguồn đổ về mang theo nhiều bùn đất khiến con đập bị bồi lấp, giờ không khác gì cái mương to.
Ngày trước, lòng đập sâu tới hơn 4m, giờ thì bà con lội qua nước cũng chỉ tới ngang bụng. Ông Trần Đức Mười, một người dân xóm Đồng Chốc nói: Gia đình tôi có 3 sào ruộng tại cánh đồng mẫu lớn này. Do thiếu chủ động nguồn nước nên hầu như phải phụ thuộc nước trời. Một số hộ có chân ruộng gần với đập dâng còn sử dụng máy bơm mi ni để bắt nước về ruộng mình, còn gia đình tôi ruộng xa thế này muốn bắt nước về cũng chả thấm tới đây. Giờ cây lúa sớm đang vào giai đoạn đứng cái làm đòng, lúa muộn đang đẻ nhánh, thiếu nước thế này sẽ ảnh hưởng tới năng suất lúa là điều dĩ nhiên.
Ông Lê Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Địa phương đã thực hiện các biện pháp chống hạn trước mắt như sử dụng máy bơm, tận dụng nguồn nước ao, hồ, sông, suối và tưới luân phiên... nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu nước tưới của bà con. Chúng tôi mong các cấp, ngành sớm đầu tư sửa chữa, cải tạo, nạo vét công trình thủy lợi này nhằm cấp nước ổn định phục vụ sản xuất.