Thời gian gần đây, khi các địa phương siết chặt quản lý hoạt động đi lại để tránh lây lan dịch COVID-19 thì cũng bắt đầu xuất hiện các trường hợp làm giả giấy tờ, trục lợi cá nhân. Hình thức giả mạo khá tinh vi, bằng nhiều cách thức khác nhau như: Giả mạo giấy xét nghiệm COVID-19, giả phiếu đi chợ, không trung thực trong trả kết quả xét nghiệm…
Cách đây mấy ngày, báo chí đã đưa tin trường hợp giả mạo giấy xét nghiệm COVID-19 để thông chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh. Đó là trường hợp xảy ra tại chốt kiểm dịch thuộc xóm Suối Khách, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ). Trong quá trình kiểm soát người ra, vào tỉnh, Tổ công tác liên ngành đã phát hiện Nguyễn Đình Trang (sinh năm 1983), trú tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả.
Nguyễn Đình Trang khai nhận đã thuê Vũ Văn Hà (sinh năm 1971), trú tại xã Nam Hòa (Đồng Hỷ), làm giả giấy xét nghiệm hòng qua mặt các chốt kiểm dịch trên địa bàn. Sau khi bị triệu tập, đối tượng Vũ Văn Hà đã khai nhận toàn bộ hành vi của mình. Hà đã dùng máy ảnh, máy tính, máy in mầu để làm giấy xét nghiệm giả bán cho người có nhu cầu với giá 50.000 đồng/giấy.
Một trường hợp khác xảy ra tại chợ Ba Hàng (T.X Phổ Yên) mới đây cũng liên quan đến làm giả giấy tờ, nhưng là giả phiếu ra vào chợ. Đối tượng dùng phiếu giả là N.V.S (sinh năm 1984), thường trú tại huyện Thường Tín, T.P Hà Nội, hiện đang cộng tác cho một doanh nghiệp FDI ở Khu công nghiệp Yên Bình.
Do không có phiếu đi chợ của chính quyền sở tại, đối tượng này đã tự in phiếu để ra vào chợ mua sắm. Tuy hiên, khi anh này trình phiếu để qua chốt kiểm dịch tại chợ Ba Hàng thì bị phát hiện, lập biên bản và xử lý với mức phạt hành chính 5 triệu đồng.
Thông qua đường dây nóng của Tòa soạn, Ban Biên tập Báo Thái Nguyên cũng vừa tiếp nhận thông tin phản ánh của một công dân sống tại Hà Nội đang có mặt tại Thái Nguyên về việc một phòng khám tư nhân trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã không làm đúng quy định về xét nghiệm để trục lợi.
Qua làm việc trực tiếp với người phản ánh và đại diện phòng khám trên, phóng viên Báo Thái Nguyên xác định, phòng khám đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 gộp của 2 người, nhưng khi trả kết quả lại chung 5 mẫu với nhau. Với hình thức này, phòng khám nghiễm nhiên thu được một khoản tiền chênh lệch mà đáng lẽ người xét nghiệm không phải chịu…
Đây chỉ là một số trường hợp bị phát hiện, xử lý, còn trong thực tế sẽ vẫn có các trường hợp giả mạo tinh vi khác. Do vậy rất cần sự phát giác kịp thời của quần chúng nhân dân, sự cảnh giác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiểm soát chặt chẽ của các lực lượng chức năng để ngăn chặn việc lợi dụng tình hình COVID trục lợi cá nhân.
Thái Nguyên tuy chưa phải là vùng có diễn biến dịch phức tạp nhưng nếu không siết chặt kiểm soát các trường hợp ra vào từ xa, từ sớm thì nguy cơ lây lan dịch bệnh diện rộng là rất cao.