Thời gian vừa qua, nhiều cử tri của huyện Phú Lương phản ánh trong quá trình thi công Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km100 theo hình thức BOT, một số tuyến đường liên thôn, liên xã trên địa bàn hư hỏng, xuống cấp và gây ngập úng, ô nhiễm môi trường.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75 – Km100 theo hình thức BOT được triển khai năm 2015 và bàn giao đưa vào sử dụng năm 2017.
Quá trình thực hiện Dự án, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới đã mượn 11 tuyến đường công vụ, 1 cầu sắt Bến Giềng trên địa bàn huyện Phú Lương. Sau khi hoàn thành Dự án, Công ty đã hoàn trả huyện một số tuyến, gồm: Tuyến Giang Tiên - Núi Phấn đoạn Km18-24 dài 8km, tuyến Bến Giềng - Vô Tranh dài 1,7km, tuyến Phấn Mễ - Tức Tranh dài hơn 1km, bù đổi mở rộng mặt đường từ 3,5 thành 5,5m.
Các tuyến chưa hoàn trả là do Công ty gặp khó khăn về kinh phí. Để giúp người dân đi lại thuận tiện, huyện Phú Lương đã khảo sát, lập dự án, đấu thầu và tổ chức thi công, đến nay đã nâng cấp cải tạo, nghiệm thu đưa vào sử dụng các tuyến có tổng chiều dài 23km.
Riêng tuyến Giang Tiên - Phú Đô - Núi Phấn, đoạn Km8-12 dự kiến trong tháng này sẽ bàn giao đưa vào sử dụng. Ông Nguyễn Đức Khuê, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết: Trên địa bàn xã hiện còn tuyến Dốc Võng - Vô Tranh dài 7km đường bê tông bị nứt gãy dọc đường và đoạn đường bê tông từ Bến Giềng - Dốc Võng còn 1km cũng trong tình trạng bị hư hỏng. Cử tri mong muốn sớm được sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông và phát triển kinh tế.
Liên quan đến Dự án đường Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100 theo hình thức hợp đồng BOT, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới đã thi công rãnh xây, nắp đậy tấm đan bê tông cốt thép và cống thoát nước, còn hạ lưu cống Km93+771 không thi công được do vướng mặt bằng vì người dân khi đó chưa đồng thuận hiến đất.
Chính vì vậy, đoạn chân dốc Hạ Mã về phía đền Đuổm (xã Động Đạt) thuộc tuyến Quốc lộ 3 cũ thường xuyên bị ngập úng khi trời mưa.
Thực tế tại đoạn đường chân dốc Hạ Mã chúng tôi thấy, nhiều nhà dân đều phải xây dựng nền cửa cao hơn 10-15cm so với mặt đường, có nhà xếp gạch, để bao cát, dựng tấm chắn ngăn nước tràn vào nhà mỗi khi mưa lớn.
Có đoạn bị ngập úng chưa được khắc phục.
Chị Khuông Thị Lợi, một người dân có nhà gần đầu dốc Hạ Mã nói: Từ khi cải tạo Quốc lộ 3 cũ, cứ mưa là nhà tôi và hơn 20 hộ khác bị ngập. Gia đình tôi kinh doanh nên các tủ hàng đều phải đóng cao lên để không bị ướt. Cơn mưa cuối tháng trước làm nước tràn vào ngập khoảng 10cm nền nhà, ngay trong đêm, vợ chồng tôi phải dậy dọn dẹp và đục tường nhà để thoát nước ra bãi đất phía sau.
Còn ông Đỗ Gia Ngư, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Đuổm cho biết: Sau khi nâng cấp Quốc lộ 3, cùng với xảy ra ngập úng thì còn tình trạng cống nước bị đất đổ bịt lại nên nước thải theo mương chảy ngược lại bên trong một khu đất ở Hạ Mã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hơn 30 hộ dân.
Nhiều nhà dân không dùng được nước giếng vì có mùi, mỗi khi trời nắng, khu vực chứa nước thải đen ngòm, bốc mùi hôi thối khiến người dân bức xúc. Chúng tôi mong các cấp có thẩm quyền sớm khắc phục tình trạng này để nhân dân ổn định đời sống.
Được biết, trước các ý kiến của cử tri, đầu tháng 4-2021, UBND huyện cũng đã có buổi làm việc với Sở Giao thông - Vận tải, Chi cục Quản lý đường bộ I.4, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới về các tồn tại trong quá trình thực hiện Dự án.
Tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH BOT Thái Nguyên – Chợ Mới cho biết Dự án đã quyết toán và thời gian tới không thể thực hiện do chưa được thu phí tại Quốc lộ 3 cũ.
Trước tình hình trên, UBND huyện Phú Lương đã có văn bản gửi UBND tỉnh, Sở Giao thông - Vận tải đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải, Tổng cục Đường bộ, Cục quản lý đường bộ I khảo sát, cấp kinh phí thi công rãnh thoát nước sau hạ lưu cống lý trình KM93+771 đảm bảo thoát nước, chống ngập úng.
Đồng thời, với 4 hộ dân khu vực Hạ Mã còn chưa đồng thuận, chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động các hộ hiến đất, bàn giao mặt bằng.
Mong mỏi nhất của người dân hiện nay là các cấp, ngành chức năng cần tiếp tục phối hợp, yêu cầu Công ty BOT rà soát những tồn tại sau khi thi công Dự án để giải quyết triệt để những tồn tại, sớm hoàn trả các tuyến đường; hoặc các cấp, ngành bố trí kinh phí tạm ứng để xây dựng.