Thực trạng này kéo dài nhiều năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hơn 40 hộ dân ở xóm Cẩm 2, xã Phục Linh (Đại Từ). Nhanh chóng được tháo gỡ vướng mắc, có hướng dẫn cụ thể, giải quyết dứt điểm… là mong mỏi chung của người dân nơi đây.
Theo thông tin từ người dân, năm 1994, Mỏ than Phấn Mễ chuyển vị trí khai thác từ thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) đến địa phương, một số hộ dân đang sinh sống tại xóm Cẩm 2 lúc bấy giờ thuộc phạm vi khai thác đã được Mỏ và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động di dời đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn.
UBND xã Phục Linh đã dùng quỹ đất của địa phương đang quản lý và vận động một số hộ có đất, góp đất tại vị trí trung tâm xóm Cẩm 2 để quy hoạch khu dân cư. Sau khi san gạt mặt bằng, xã đã chia lô và bán cho các hộ có nhu cầu (chủ yếu là các hộ dân thuộc diện phải di chuyển từ khu vực khai thác khoáng sản của Mỏ than Phấn Mễ).
Còn các hộ góp đất với UBND xã thì được ưu tiên “cắm” cho từ 1-2 lô đất mà không cần nộp tiền. Không có văn bản cụ thể quy định mức giá bán, diện tích các thửa đất cũng không đồng đều, do vậy, giá mỗi lô đất cũng không giống nhau, dao động từ 4-4,5 triệu đồng/lô đất, diện tích trung bình là gần 130m2/lô.
Khi thỏa thuận mua bán, UBND xã đã cam kết với người dân sẽ nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Nhưng sau nhiều năm đợi chờ, hơn 40 hộ dân ở xóm Cẩm 2 vẫn chưa có trong tay GCNQSDĐ.
Là một trong những người cùng gia đình di dời sớm nhất từ khu vực sát bờ moong khai thác của Mỏ than Phấn Mễ đến xóm sau khi mua đất của UBND xã Phục Linh, bà Trần Thị Sáu bức xúc: Vì sự phát triển kinh tế của địa phương, khi doanh nghiệp, chính quyền vận động, bà con di dời để đảm bảo hoạt động khai khoáng của Mỏ, chúng tôi đã đồng thuận ngay, chuyển từ nơi ở cũ rộng hơn 1.000m2 để mua 2 lô đất ở hiện nay với diện tích trên 200m2. Hàng năm, gia đình tôi đều đóng thuế sử dụng đất đầy đủ. Nhiều năm qua, chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền các cấp nhưng chưa có kết quả…
Việc nhiều năm chưa được cấp GNCQSDĐ đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của các hộ: Quyền sử dụng đất bị hạn chế, không thể thế chấp đất để vay vốn ngân hàng, tư tưởng bất an, không thể bán đất để chuyển đến nơi ở khác…
Đơn cử như gia đình bà Đỗ Thị Nẩy (80 tuổi) đến nay đã có 3 thế hệ ở chung trên diên tích đất 140m2, mong mỏi của bà Nẩy là sớm có GCNQSDĐ để cho, tặng con cháu.
Hay như gia đình ông Lương Văn Bình đã treo biển bán nhà cách đây hơn 10 năm nhưng vẫn chưa có người mua, mà theo ông nguyên nhân chủ yếu là vì chưa có “sổ đỏ”...
Người dân bất an vì nhiều năm chưa được cấp "sổ đỏ".
Ông Lưu Xuân Lộc, Bí thư Chi bộ xóm Cẩm 2 cho biết: Do thời gian đã lâu nên không còn nhiều hộ dân lưu giữ được chứng từ gốc, một số hộ bị mất phiếu thu bởi thiên tai, hỏa hoạn. Năm 2017, 8 hộ dân trong xóm còn giữ giấy mua bán với UBND xã Phục Linh đã được cấp GCNQSDĐ. Với hơn 40 hộ còn lại, sử dụng đất trong nhiều năm, ổn định, không tranh chấp, mong muốn của họ là sớm được cấp GCNQSDĐ để an tâm sinh sống hay sử dụng vào các mục đích khác. Phần lớn các hộ có hoàn cảnh khó khăn, chỉ có mảnh đất đang sử dụng là tài sản có giá trị nhất, do vậy, chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm đảm bảo quyền lợi cho người dân. Thêm vào đó, các giấy tờ mua bán từ năm 1994 giữa UBND xã và người dân, mỗi bên đều giữ lại một bản, do vậy, nếu người dân bị mất giấy tờ, xã có thể tra soát lại hồ sơ để làm cơ sở cấp GCNQSDĐ.
Để làm rõ vấn đề này, chúng tôi đã đem những thắc mắc của người dân xóm Cẩm 2 trao đổi với chính quyền xã Phục Linh. Ông Nguyễn Đình Khương, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thời điểm trước, UBND xã không thực hiện theo đúng quy hoạch đã đề ra mà tự ý chuyển vị trí quy hoạch khu dân cư từ xóm Cẩm 3 đến xóm Cẩm 2 dẫn đến nhiều vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ cho người dân. Do thời gian đã lâu, việc lưu giữ tài liệu giai đoạn trước không tốt nên không còn giấy tờ liên quan. Chúng tôi đã và đang tìm hướng giải quyết. Với 8 hộ còn giữ được phiếu thu, xã đã hưỡng dẫn, hỗ trợ để người dân đủ điều kiện được cấp GCNQSDĐ từ năm 2017.
Với những hộ không còn lưu giữ được giấy tờ gốc, chúng tôi đề nghị người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (tức nộp 50% số tiền sử dụng đất), cán bộ địa chính xã sẽ hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp trên sớm giải quyết, đảm bảo quyền lợi của các hộ dân trong thời gian sớm nhất… Ông Nguyễn Đình Khương nói.