Hàng nghìn mét khối đất tại xóm Củ, xã Hà Châu (Phú Bình) đã và đang bị các đối tượng khai thác trái phép, vận chuyển đi tiêu thụ với danh nghĩa “hạ cốt nền”. Điều đáng nói, hoạt động khai thác, vận chuyển đất diễn ra rầm rộ suốt nhiều ngày nay nhưng gần như không có sự ngăn chặn, xử lý của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.
Mới đây, Báo Thái Nguyên nhận được phản ánh của người dân xã Hà Châu về tình trạng hàng loạt xe tải chở đất chạy trên các tuyến đường của xã (địa phương này chưa có mỏ đất san lấp được cấp phép). Những xe tải chở đất không được che đậy, chạy rầm rộ với tốc độ cao khiến đất đá rơi vãi ra đường, gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Chiều 6-12, có mặt trên tuyến đường Vành đai 5, đoạn giao cắt với đê Hà Châu, chúng tôi bắt gặp hàng chục xe tải chở đất nối đuôi nhau chạy đến một khu vực đang san lấp mặt bằng tại xóm Quán Chè, xã Nga My. Bám theo những chiếc xe tải này, phóng viên đến khu vực khai thác đất rộng hàng trăm mét vuông nằm sát đường Vành đai 5. Tại đây có một chiếc máy xúc đang đào xới đất và hàng chục phương tiện gồm ô tô tải, xe 3 bánh túc trực đến lượt được xúc đất lên xe để chở đi.
Xe ô tô vận chuyển đất từ điểm khai thác ra ngoài.
Lúc sau, một người tự nhận tên là Trường, chủ của khu đất này nói với chúng tôi: “Tôi chuẩn bị làm nhà nhưng do nền đất quá cao nên đã làm đơn gửi UBND xã Hà Châu xin “hạ cốt nền” và đã được UBND xã đồng ý. Lượng đất thừa tôi cho những người có nhu cầu đến xúc mang đi, còn họ chở đi đâu thì tôi không biết”.
Trong quá trình tác nghiệp tại đây, phóng viên liên tục bị các đối tượng chửi bới, đe dọa và yêu cầu phải xóa những hình ảnh vừa quay, chụp được. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đã buộc phải rời đi.
Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là khu đất đồi của gia đình ông Tạ Huy Trường, xóm Củ, xã Hà Châu.
Ngay sau đó, phóng viên Báo Thái Nguyên đến UBND xã Hà Châu để liên hệ làm việc về nội dung này. Ông Nguyễn Văn Oanh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau khi nhận được đơn xin “hạ cốt nền” để xây dựng nhà ở của ông Tạ Huy Trường, ở xóm Củ, UBND xã đã giao cho cán bộ địa chính đến kiểm tra thực địa. Nhận thấy nhu cầu của gia đình là chính đáng nên chúng tôi đã đồng ý cho ông Trường được phép “hạ cốt nền” và chỉ sử dụng đất thừa để san lấp, cải tạo ruộng lúa của một số hộ dân trong xóm.
Xe tải chở đất từ điểm khai thác ra đường Vành đai V (để mang đi tiêu thụ) không được che đậy.
Chủ tịch UBND xã Hà Châu cho biết thêm: Thời gian gần đây, đặc biệt là từ khi tuyến đường Vành đai V chạy qua địa bàn xã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhu cầu cải tạo mặt bằng, “hạ cốt nền” của người dân rất lớn. Ngoài gia đình ông Trường, vừa qua, UBND xã cũng đã đồng ý cho một số hộ khác được “hạ cốt nền” để cải tạo mặt bằng xây dựng.
Khi chúng tôi đưa ra các video, hình ảnh về hàng loạt xe tải chở đất từ khu đất của gia đình ông Trường mang đi san lấp mặt bằng các công trình xây dựng trên địa bàn thì Chủ tịch UBND xã Hà Châu khẳng định: “Ngay sáng mai (7-12), chúng tôi sẽ kiểm tra, đình chỉ và xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép này”.
Tuy vậy, chiều 7-12, khi trở lại hiện trường, phóng viên Báo Thái Nguyên vẫn chứng kiến hoạt động khai thác, vận chuyển đất rầm rộ trên khu đất của gia đình ông Trường.
Một điểm đến của lượng đất san lấp được khai thác từ vườn đồi của gia đình ông Tạ Huy Trường là một công trình xây dựng trên địa bàn xóm Quán Chè, xã Nga My (Phú Bình).
Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Ngọc Yên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Bình cho biết: Theo quy định, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu cải tạo mặt bằng, “hạ cốt nền” trên diện tích đất được giao mà chỉ sử dụng đất thừa để san lấp tại chỗ thì phải đăng ký với UBND huyện và phải được UBND huyện chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp vận chuyển đất đi nơi khác để san lấp mặt bằng thì phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật và phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính như: Thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền ký quỹ phục hồi môi trường…
Như vậy, có thể thấy rằng, việc UBND xã Hà Châu “chấp thuận” (bằng bất kể hình thức nào) cho gia đình ông Tạ Huy Trường “hạ cốt nền” và vận chuyển đất thừa đi nơi khác để san lấp mặt bằng là không đúng thẩm quyền, vi phạm quy định về quản lý tài nguyên khoáng sản; vô tình “tiếp tay” cho hoạt động khai thác đất trái phép, ảnh hưởng đến cảnh quan, ô nhiễm môi trường và thất thu ngân sách.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tình trạng lợi dụng việc “hạ cốt nền” để khai thác đất trái phép còn diễn ra tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu cải tạo mặt bằng của người dân là chính đáng, nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Hành vi khai thác đất trái phép núp bóng hình thức “hạ cốt nền” cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.