Nhiều năm nay, người dân ở xóm An Thắng, xã Yên Đổ (Phú Lương) vẫn luôn mong có một cây cầu kiên cố bắc qua suối Nạ Luổng. Mong mỏi này đã được người dân kiến nghị nhiều lần tới các cấp chính quyền.
Bắt nguồn từ xóm Ao Then, xã Yên Đổ, suối Nạ Luổng đoạn chảy qua địa phận xóm An Thắng dài khoảng 3km. Con suối này chạy dọc chiều dài của xóm, chia cắt diện tích đất canh tác, đất ở.
Xóm An Thắng có 56 hộ dân thì có 12 hộ đang định cư và khoảng 10 hộ có diện tích đất rừng, đất màu ở bên kia suối. Người dân muốn đi làm, đi học hoặc vận chuyển gỗ, nông sản đi bán phải qua suối để ra đường liên xóm.
Trước đây, người dân trong xóm đã tự làm cây cầu bằng gỗ, tre để qua suối, năm 2003, xóm được Nhà nước hỗ trợ ống cống bê tông tròn, bà con đã vận động nhau đổ đất đá xuống để làm đường đi qua. Tuy nhiên, khi thời tiết khô ráo thì có thể thuận lợi đi lại, còn vào thời điểm mưa bão, người dân rất e ngại đi trên đoạn đường này.
Ông Mạc Văn Thực, Trưởng xóm An Thắng cho biết: Năm 2009 xảy ra mưa lớn, nước dâng cao gây ngập lụt cục bộ, chia cách địa bàn xóm. Toàn bộ 12 hộ dân bên kia suối không thể ra ngoài đi làm, trẻ em không thể đi học. Từ đó đến nay, mặc dù chưa lặp lại trận lụt nào nhưng mỗi khi trời mưa, người dân rất lo lắng, chỉ sợ nước lại dâng lên. Ngoài ra, do đường qua suối được làm tạm bợ nên lâu ngày nước chảy qua đã gây xói mòn đất 2 bên bờ; xe cộ đi lại nhiều gây lún đường. Vì vậy, khi trời mưa to, nhiều người phải gửi xe bên nhà tôi để đi bộ về nhà cách con suối khoảng 800m vì đường đất trơn trượt và đất 2 bên bờ bị lở. Cứ sau mỗi trận mưa lớn, xóm lại phải vận động bà con đắp đất, gia cố đoạn đường.
Cầu qua suối chưa có không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại mà còn khiến hoạt động thông thương, phát triển kinh tế và đời sống sinh hoạt của 12 hộ dân bị chia cắt bởi con suối gặp khó. Chị Lương Thị Thủy, người trong xóm cho biết: Hai vợ chồng tôi chủ yếu làm ruộng, trồng rừng và đi làm thuê để sinh nhai. Chúng tôi từng có ý định vay vốn ngân hàng để mua trả góp chiếc xe ô tô chở hàng thuê nhưng chưa thực hiện được vì đường đi vào nhà không thuận tiện.
Còn chị Nguyễn Thị Chiến thì cho hay: Nơi gia đình tôi ở cách đường liên xóm khoảng 800m. Cầu chưa có, đường chưa được cứng hóa khiến giá bán gỗ keo của nhà tôi rẻ hơn một nửa. Đợt thu hoạch gần đây nhất, gia đình tôi bán được 40 triệu đồng với 0,8ha keo. Nếu so với các hộ có đường giao thông thuận lợi thì kém hơn khoảng 30 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi muốn xây dựng chuồng lợn và sân phơi thóc nhưng cũng không làm được...
Trong các cuộc họp và tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị xây cầu cứng qua suối. Nội dung này đã được UBND huyện giải trình trong Kỳ họp HĐND cuối năm 2020. UBND huyện cũng đã đề nghị xã Yên Đổ lập danh mục công trình đề nghị ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025 để phòng chuyên môn tổng hợp, sắp xếp thứ tự ưu tiên, ghi nguồn đầu tư xây dựng.
Ông Trần Văn Thông, Chủ tịch UBND xã Yên Đổ cho biết: Chúng tôi sẽ lập phương án đề xuất UBND huyện quan tâm đầu tư xây dựng cầu qua suối Nạ Luổng cho người dân xóm An Thắng.