Đường dây nóng của Báo Thái Nguyên vừa nhận được phản ánh của một số người dân xóm Liên Minh, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên), về việc gia đình ông Dương Văn Tĩnh ở xóm Liên Minh tự ý san lấp đất trồng lúa (ảnh).
Theo người dân, vào đêm 13, rạng sáng ngày 14-1, ông Dương Văn Tĩnh đã thuê người chở đất đổ lên phần ruộng cấy lúa nằm sát với tuyến đường trục chính của xóm Liên Minh. Hiện nay, hàng trăm m2 đất trồng lúa đã bị đổ đất, san gạt…
Khi làm việc với phóng viên, ông Dương Văn Tĩnh thừa nhận có đổ đất, san gạt nhằm cải tạo đất để chuyển sang trồng hoa màu vì nền đất ở đây là ruộng trũng, cấy lúa không năng suất. Khu vực gia đình ông vừa san gạt là đất lúa 1 vụ, có nguồn gốc do bố mẹ khai phá và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do ruộng nằm sát với con mương thoát nước chính từ khu vực Điềm Thụy (Phú Bình) đổ về nên khi Dự án Khu công nghiệp Yên Bình giai đoạn 2 được triển khai, dù có đặt cống thoát nước nhưng vẫn bị ngập úng khi thời tiết mưa to. Sau mỗi lần bị ngập úng, rác thường xuyên tràn vào ruộng, tụ lại thành đống, cấy lúa không hiệu quả nên gia đình muốn cải tạo để trồng cây ăn quả hoặc hoa màu…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, toàn bộ khu ruộng có diện tích hơn 400m2 đã bị đổ đất, san gạt tương đối bằng phẳng. Lớp đất đổ có độ cao hơn khoảng 1m so với nền ruộng cũ.
Ông Dương Văn Vũ, Trưởng xóm Liên Minh cho biết: Do ông Tĩnh đổ đất vào ban đêm nên tôi cũng không nắm rõ. Khi nhận được thông tin của người dân, tôi ra kiểm tra thì ông Tĩnh đã dừng đổ đất xuống ruộng. Sau đó, ông Tĩnh có báo cáo lại là cải tạo đất đất lúa để chuyển sang trồng hoa màu. Khu ruộng của ông Tĩnh nằm sát với mương và thường xuyên bị ngập úng, tuy nhiên việc san gạt, cải tạo của ông Tĩnh là vi phạm vì không báo cáo và được sự đồng ý của chính quyền địa phương.
Còn ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến thông tin: Trước khi cải tạo đất ruộng, ông Tĩnh không có đơn cũng như phương án cải tạo đất lúa gửi UBND xã. Sau khi nhận được thông tin, chính quyền đã kiểm tra, yêu cầu ông Tĩnh dừng hoạt động đổ đất và khôi phục hiện trạng ban đầu; lập biên bản gửi UBND T.X Phổ Yên xử phạt vi phạm hành chính. Hiện nay, do phát triển công nghiệp, đô thị nên trên địa bàn phường có nhiều diện tích đất nông nghiệp xen kẹp, thường xuyên ngập úng hoặc khó khăn về nguồn nước tưới ảnh hưởng đến canh tác của bà con khiến nhu cầu chuyển đổi của người dân rất lớn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm…
Có thể thấy, việc đổ đất, san gạt cải tạo ruộng của ông Dương Văn Tĩnh khi chưa được sự cho phép của chính quyền là vi phạm các quy định của pháp luật. Vì vậy, chính quyền địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm để tránh phát sinh những trường hợp tương tự, ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của địa phương.
Điểm a, khoản 1, Điều 4, Nghị định 35/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ quy định: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa. |