Đầu tư thu lãi “khủng”: Coi chừng mất trắng, Kỳ 2 - Những dấu hiệu bất thường và rủi ro tiềm ẩn

19:49, 01/03/2022

Công ty CP Đầu tư và Thương mại Bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty Nhật Nam) thực tế đang huy động vốn của nhà đầu tư với cam kết thu lợi nhuận cao, bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh có “phân chia lợi nhuận” (“PCLN”). Việc huy động vốn của Công ty Nhật Nam chưa có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, theo ý kiến của luật sư và các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, hình thức huy động vốn này có dấu hiệu của “mô hình Ponzi” (thu hút người đầu tư và lấy tiền người sau trả cho người trước). Do đó, việc góp vốn vào Công ty Nhật Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư…

Khoản lãi thực tế cao hơn 68%

Phân tích phương thức huy động vốn của Công ty Nhật Nam, ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên, cho biết: Công ty Nhật Nam cam kết chi trả lợi nhuận 68%/2 năm, tương đương 34%/năm, bản chất là trả lãi cho nhà đầu tư cao hơn rất nhiều lần lãi suất huy động vốn hiện tại của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, việc huy động vốn đã được hợp thức hóa bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh nên rất khó xử lý. Trên thực tế, khoản “PCLN” mà bản chất là lãi Nhật Nam trả cho nhà đầu tư còn cao hơn mức 68% như họ quảng cáo, bởi nhà đầu tư đã được trả cả gốc và lãi theo ngày, tuần, tháng. Số tiền gốc sau mỗi kỳ trả đã giảm xuống. Nếu tính lãi theo số tiền gốc giảm, lãi cũng sẽ giảm, nhưng Nhật Nam giữ một khoản chi giống nhau và đều cho người đầu tư. Đây là cách thu hút người đầu tư của Nhật Nam, bởi lợi nhuận 68% đã là rất cao nhưng người đầu tư còn nhận thấy mình được lợi hơn cả mức này.

Thực tế, với chuỗi nhà hàng, khách sạn và hàng loạt bất động sản giá trị như lời quảng cáo, Công ty hoàn toàn có thể thế chấp để vay vốn từ các ngân hàng. Bởi, lãi suất vay ngân hàng bình quân chỉ từ 9-11%/năm, nguồn vốn lại ổn định, không bị hao hụt liên tục theo ngày, tuần, tháng do phải trả cho người đầu tư như phương án trên.

Thêm nữa, trong điều kiện kinh tế bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 như hiện nay, hoạt động đầu tư, nhất là đầu tư bất động sản đang rất khó khăn. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao Nhật Nam không vay vốn ngân hàng hoặc các nguồn vốn khác lãi suất thấp mà tập trung huy động vốn của người đầu tư với khoản lãi phải trả rất cao?

Nghi vấn “mô hình Ponzi”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau hơn 2 năm hoạt động, Công ty Nhật Nam vẫn chưa mở bán rầm rộ các sản phẩm bất động sản để thu hồi tiền. Các chuyên gia đặt nghi vấn phải chăng Nhật Nam đang huy động tiền của người đầu tư và sử dụng số tiền đó nhằm duy trì hoạt động của Công ty, trả gốc, lãi cho người đầu tư bằng chính tiền của họ và của người đầu tư trước? Đây là dấu hiệu của “mô hình Ponzi” - một hình thức lừa đảo đã được cảnh báo.

Thông thường, nếu một “mô hình Ponzi” không bị các cơ quan chức năng ngăn chặn thì thường đổ vỡ vì một hoặc nhiều lý do, như: Công ty, người điều hành “biến mất”, lấy hết số tiền đầu tư còn lại; công ty, người điều hành tuyên bố phá sản hoặc không thể trả tiền cho nhà đầu tư vì lợi nhuận phải trả sắp vượt quá các khoản đầu tư mới…

Lách qua kẽ hở pháp lý?

Về tính pháp lý trong hoạt động huy động vốn của Công ty Nhật Nam, ông Nguyễn Minh Cảnh, Giám đốc phụ trách tư vấn của Chi nhánh Công ty Luật TNHH Một thành viên K và cộng sự tại Thái Nguyên, phân tích: Hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam ký kết với nhà đầu tư thể hiện rằng nội dung hợp tác không chỉ dừng lại ở việc kinh doanh bất động sản, mà trong toàn bộ các lĩnh vực thuộc về thế mạnh và chuyên môn của Công ty Nhật Nam. Như vậy, việc huy động vốn để sử dụng vào mục đích, lĩnh vực cụ thể nào chưa được quy định rõ trong hợp đồng, đây chỉ đơn giản là việc ghi nhận sự hợp tác giữa các bên (bên cấp vốn và bên nhận vốn) để hoạt động đầu tư, kinh doanh đem lại lợi nhuận.

Điều này giúp Công ty Nhật Nam “khéo léo” thoát khỏi sự điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở quy định về việc lập, ký kết các hợp đồng huy động vốn đầu tư; đồng thời đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư năm 2020 khi ghi nhận sự hợp tác kinh doanh hợp pháp của các nhà đầu tư (bao gồm cả tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước). Thêm nữa, hợp đồng cũng ghi khoản tiền chi cho người đầu tư là hoàn vốn và “PCLN” nên Công ty Nhật Nam cũng “lách” được quy định về chi trả lãi suất mà hai bên thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm theo Bộ luật Dân sự năm 2015 - Luật sư Nguyễn Minh Cảnh phân tích thêm.

Văn phòng đại diện của Công ty Nhật Nam tại Thái Nguyên, địa chỉ: Số nhà 84, đường Cách mạng Tháng Tam (T.P Thái Nguyên), đi vào hoạt động từ giữa năm 2021.

Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cảnh báo: Thời gian qua, không ít trường hợp người dân tham gia góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp với mức lãi suất cao. Sau một thời gian, doanh nghiệp tuyên bố phá sản hoặc giải thể, người dân bị thiệt hại về kinh tế. Thông thường, những vụ việc này rất khó để khởi tố hình sự về hành vi chiếm đoạt tài sản vì thực tế doanh nghiệp đã hợp thức hóa việc huy động vốn bằng hợp đồng hợp tác kinh doanh. Bản chất hợp đồng này là thỏa thuận dân sự nên khi xảy ra tranh chấp, người dân chỉ có thể khởi kiện ra tòa án. 

Rủi ro và nguy cơ mất trắng

Phân tích những rủi ro của người đầu tư trong hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Nhật Nam, đại diện Chi nhánh Công ty luật TNHH Một thành viên K và cộng sự tại Thái Nguyên, chỉ rõ: Theo Điều 8 của hợp đồng, bên A (Công ty Nhật Nam) “Toàn quyền quản lý, điều hành, quyết định công việc kinh doanh và sử dụng vốn đầu tư…”. Điều 9 của hợp đồng quy định bên B (người đầu tư) “sẵn sàng và tự nguyện chia sẻ với bên A những thiệt hại có thể xảy ra khi việc đầu tư kinh doanh gặp biến động tiêu cực từ thị trường bất động sản, thị trường tài chính…”. Điều 5 ghi rõ: “Bên B không được can thiệp hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động quản lý, điều hành, giám sát công việc kinh doanh của bên A…”. Với những điều khoản bất lợi như trên, trong mọi trường hợp, người đầu tư luôn là bên chịu rủi ro cao nhất.

Mặt khác, theo Điều 10, hợp đồng sẽ chấm dứt nếu “bên A giải thể hoặc tuyên bố phá sản”. Như vậy, trong trường hợp Công ty giải thể hoặc phá sản, nhà đầu tư có nguy cơ không thu hồi được vốn, thậm chí có thể mất trắng. Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Phá sản năm 2014 quy định trong trường hợp doanh nghiệp tuyên bố giải thể, phá sản thì việc thanh toán các khoản nợ luôn ưu tiên chi trả cho người lao động (lương, trợ cấp, bảo hiểm xã hội), nợ thuế, sau đó mới tới các khoản nợ khác của đơn vị tuyên bố phá sản, giải thể.

Các trường hợp khởi kiện dân sự để đòi lại khoản vốn đã đầu tư cũng rất khó khăn, thậm chí là không thể bởi bản chất khi đó doanh nghiệp đã không còn khả năng tài chính để hoàn trả hoặc nếu có thì bên cấp vốn cũng phải mất rất nhiều thời gian chờ thi hành án để thu hồi vốn.

Qua nghiên cứu nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam, chúng tôi còn phát hiện thêm nhiều điều khoản bất lợi cho nhà đầu tư, cụ thể như: Điều 5 của hợp đồng quy định: Tùy vào tình hình hoạt động kinh doanh và nhu cầu vốn, nhà đầu tư đồng ý cho Công ty Nhật Nam cứ 6 tháng 1 lần điều chỉnh hình thức thanh toán lợi nhuận phát sinh từ vốn đầu tư cùng với phương thức, hình thức hoàn trả khoản còn lại của vốn đầu tư cho bên B bằng tài sản/quyền tài sản hình thành trong tương lai của bên A...

Bên cạnh đó, mặc dù Công ty tuyên bố nhà đầu tư có thể tùy ý rút vốn nếu không muốn tiếp tục tham gia. Tuy nhiên, thực tế, Điều 7 của hợp đồng lại ràng buộc, nếu rút vốn trước thời hạn (trước 24 tháng), nhà đầu tư sẽ bị phạt 30% giá trị vốn đầu tư và hoàn trả lại toàn bộ các giá trị ưu đãi đã được hưởng, đồng thời bồi thường thiệt hại (nếu có) cho Công ty. Còn nếu muốn chuyển nhượng hợp đồng cho người khác thì nhà đầu tư phải thanh toán cho Công ty một khoản tiền tương đương với 10% giá trị vốn đầu tư…

Qua tiếp xúc với một số cá nhân đã tham gia góp vốn đầu tư vào Công ty Nhật Nam, chúng tôi được biết, đến thời điểm này các nhà đầu tư vẫn đang được Công ty hoàn trả tiền gốc và lợi nhuận đều đặn theo định kỳ (ngày, tuần hoặc tháng). Thực tế hoạt động đầu tư kinh doanh trong tất cả các lĩnh vực luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nhưng rủi ro đó phải mang tính thương mại. Góp vốn đầu tư vào bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào không bị pháp luật nghiêm cấm là quyết định, quyền lợi của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần tỉnh táo, thận trọng, cân nhắc kỹ càng trước khi quyết định góp vốn.

“Mô hình Ponzi” là một hình thức lừa đảo theo dạng kim tự tháp. Trong đó, số tiền đầu tư mới sẽ đóng vai trò là nguồn tiền trả lãi cho các nhà đầu tư trước đó. Do không có bất kỳ lợi nhuận nào được sinh ra nên mô hình này sẽ sụp đổ khi áp lực trả lãi cao hơn nguồn tiền mới được đầu tư vào.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), mô hình Ponzi được nhận diện qua một số dấu hiệu như: Kêu gọi đầu tư làm giàu nhanh; hứa hẹn trả lãi với lãi suất rất cao; cam kết không có rủi ro hoặc rủi ro đầu tư rất thấp, hoàn vốn theo tỷ lệ cố định…

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo các nhà đầu tư theo mô hình này thường rất khó rút vốn. Bởi để hạn chế người tham gia rút vốn khi đến hạn, các đối tượng lừa đảo thường đưa ra mời chào các gói đầu tư tiếp theo với lãi suất cao hơn nên nhà đầu tư cần cẩn trọng.