“May quá, tôi đang được mời tham gia đầu tư vào Công ty Nhật Nam, nhờ có bài viết trên Báo Thái Nguyên mà tôi thấy rõ được những rủi ro có thể gặp phải nên quyết định không đầu tư nữa…” - Đó là một trong số rất nhiều phản hồi của độc giả sau khi Báo Thái Nguyên đăng tải bài viết 2 kỳ “Đầu tư thu lãi “khủng”: Coi chừng mất trắng” phản ánh về những dấu hiệu bất thường và rủi ro tiềm ẩn mà nhà đầu tư có thể gặp phải khi góp vốn đầu tư vào Công ty CP Đầu tư và Thương mại Bất động sản Nhật Nam (gọi tắt là Công ty Nhật Nam).
“Cẩn thận không thì mất cả chì lẫn chài”
Ngay sau khi bài báo đăng tải và được chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Rất nhiều lượt chia sẻ và bình luận của độc giả bày tỏ quan điểm, góc nhìn đa chiều xung quanh hình thức huy động vốn đầu tư của Công ty Nhật Nam.
Nhiều độc giả đã gửi lời cảm ơn Báo Thái Nguyên vì đã kịp thời có những phân tích khách quan, sâu sắc về mô hình kinh doanh của Công ty Nhật Nam. Nhờ đó, nhiều người hiểu rõ hơn bản chất của hình thức huy động vốn đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh. Từ đó đưa ra quyết định về việc có nên đầu tư vào Công ty Nhật Nam hay không?
Ông Đ.V.T (xin phép được giấu tên) cho biết: “May quá, tôi đang được mời tham gia đầu tư vào Công ty này, nhờ có bài báo mà tôi thấy rõ được những rủi ro có thể gặp phải nên tôi quyết định không đầu tư nữa…”.
Trên Facebook, một tài khoản có tên Nguyễn Mười bình luận: “Trước Tết Nguyên đán, tôi được mời tham dự buổi tư vấn và nhận quà của Công ty. Lúc đầu cũng không biết như thế nào và cũng không hiểu gì, sau 5 phút nghe giới thiệu qua về Công ty, tôi hiểu ra vấn đề và kết luận trong suy nghĩ là không lừa được tôi đâu…”. Chủ tài khoản này cũng bình luận thêm: “Bạn thân tôi đã nộp 600 quả” (600 triệu đồng - PV); “3 đứa em con bà dì chắc cũng đôi ba tỷ gì đó”.
Bình luận trên trang Fanpage Báo Thái Nguyên, tài khoản Nguyễn Khánh Linh viết: “Dễ ăn thế người ta bảo anh em nhà người ta đầu tư rồi không đến lượt người ngoài”. Cùng với đó là rất nhiều bình luận khác bày tỏ quan điểm cho rằng đây là một hình thức huy động vốn có dấu hiệu “lừa đảo”, nếu nhà đầu tư không tỉnh táo thì rất có thể sẽ phải “nhận trái đắng”.
Tài khoản Minh Hằng Nguyễn bình luận: “Chắc doanh nghiệp có kho kim cương mới có thể bốc lên cho người đầu tư dễ như thế”. Tài khoản Nguyễn Tiến Ngọc thì cho rằng: “Trên trời tự dưng rơi xuống chỉ có mưa thôi… vài tháng đầu sẽ được trả lãi cao bằng chính tiền mình đóng góp… khi mẻ lưới đủ to rồi thì ôi thôi vào một sáng đẹp trời, tất cả bộ máy từ lãnh đạo đến nhân viên Công ty đã mất tích…”. Tài khoản Mai Ngọc Thái viết: “Cẩn thận không thì mất cả chì lẫn chài, kiểu đầu tư góp vốn như thế này bao giờ lấy lại được vốn?” Tài khoản Thông Nguyễn Văn thì cảnh báo: “Cẩn thận bong bóng sắp nổ”…
Bày tỏ quan điểm về tính pháp lý của hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Nhật Nam với các nhà đầu tư, tài khoản Lò Nú cho rằng: “Với các loại hợp đồng lĩnh vực dân sự thì người ký kết phải chấp nhận thôi… Pháp luật chỉ can thiệp khi có dấu hiệu cấu thành tội phạm…”. Tài khoản Thanh Mai viết: “Dân không hiểu biết lại tham tiền… khi vỡ trận mới báo cơ quan chức năng”...
Một số phản hồi của độc giả trên mạng xã hội về vấn đề được nêu trong bài viết của Báo Thái Nguyên.
Không chỉ bày tỏ quan điểm trên mạng xã hội, một số người dân tiếp tục phản ánh đến Tòa soạn Báo Thái Nguyên bày tỏ lo lắng khi đã tham gia góp vốn đầu tư vào Công ty Nhật Nam. Cụ thể như ông N.V.H (xin phép giấu tên) tại T.P Thái Nguyên, ông H. cho biết: Nghe nhân viên của Công ty Nhật Nam giới thiệu, tôi thấy cơ hội đầu tư hấp dẫn quá nên đã lập tức ký hợp đồng góp vốn 200 triệu đồng. Lúc đó, tôi tin tưởng vào những lời giới thiệu của nhân viên tư vấn vì là người quen nên chưa nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng. Sau khi đọc bài viết trên Báo Thái Nguyên, tôi mới mang hợp đồng ra kiểm tra lại thì đúng là có nhiều điều khoản bất lợi cho nhà đầu tư, cũng như nhiều rủi ro có thể gặp phải… Hiện tại, tôi rất lo lắng về khoản tiền đã góp vốn đầu tư vào Nhật Nam nhưng không biết phải xử lý thế nào để tránh thiệt hại về kinh tế?...
Khoảng 1.000 nhà đầu tư tại Thái Nguyên đã góp vốn?
Tiếp tục tìm hiểu về hình thức huy động vốn đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam, chúng tôi được biết đến thời điểm này, có không ít nhà đầu tư tại Thái Nguyên đã tham gia góp vốn.
Ông Đào Văn Cường, người tự nhận là nhân viên đang làm việc tại Văn phòng đại diện Công ty Nhật Nam ở Thái Nguyên khẳng định với phóng viên qua điện thoại: Hiện có khoảng 1.000 nhà đầu tư tại Thái Nguyên tham gia góp vốn vào Công ty. Người đầu tư nhiều nhất là 20 tỷ đồng…
Cũng theo ghi nhận của chúng tôi, chiều nay (2-3), hoạt động của Văn phòng đại diện Công ty Nhật Nam tại Thái Nguyên (số nhà 84, đường Cách Mạng Tháng 8 (T.P Thái Nguyên) diễn ra khá nhộn nhịp.
Thông tin từ Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Công ty Nhật Nam đã đăng ký thành lập và đưa Văn phòng đại diện tại Thái Nguyên vào hoạt động từ ngày 1-7-2021. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có chức năng đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Văn phòng đại diện chỉ là nơi dùng để liên lạc, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường và đối tác mới, không được phép diễn ra các hoạt động kinh doanh…