Ẩn họa từ “bom nước” và núi thải của Mỏ than Minh Tiến

09:31, 15/05/2022

Mặc dù mọi hoạt động khai thác của Mỏ than Minh Tiến (trên địa bàn huyện Đại Từ) đã dừng từ tháng 9-2021 nhưng từ đó đến nay người dân quanh vùng vẫn chưa thể an tâm. Bởi khối đất đá thải lớn trên núi hàng ngày vẫn gây nhiều ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và đe dọa tính mạng người dân nơi đây.

Nghe dự báo về tình hình mưa dông những ngày gần đây, cả gia đình bà Lâm Thị Đức, xóm Ao Soi, xã Na Mao, luôn trong tâm trạng bất an. Nhà bà ngay gần chân núi Hồng – nơi hàng nghìn khối đất thải từ việc khai thác than đang chất trên núi cao.

Với vẻ mặt đầy mệt mỏi, lo lắng, bà Đức nói: Mấy ngày nay, không đêm nào tôi ngủ được ngon giấc vì sợ mưa xuống, cái núi thải lừng lững kia sẽ ập xuống “nuốt chửng” cả gia đình. Nhà tôi về đây nhiều năm khai phá đất đai, sinh sống, canh tác, bám vào chân núi Hồng này làm lụng bao lâu mới xây được ngôi nhà kiên cố để an cư. Vậy mà từ khi Mỏ than này đi vào khai thác, núi thải cứ to dần từng ngày, tỷ lệ thuận với nỗi lo lắng trong lòng mỗi người dân quanh núi. Lo bởi không chỉ bị ô nhiễm không khí, ruộng vườn không canh tác được vì bùn thải kéo xuống, mà còn vì núi thải có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng của người dân chúng tôi. Ruộng vườn thì bị đất đá tràn xuống, nhiều vụ qua đi không canh tác được. Vừa rồi, tôi phải vay 6 triệu đồng để thuê máy múc lớp bùn, đá lên để cấy. Nhưng lúa phát triển rất kém, không biết có thu được hạt thóc nào hay lại mất trắng.

Ngay gần đó, gia đình ông Vi Văn Lụa cũng chung nỗi niềm. Ông Lụa cho biết: Ngôi nhà này tôi xây từ năm 2017, nhưng vì nằm ngay gần chân núi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, nên năm 2021 Công ty đã hỗ trợ tiền để gia đình chuyển ra nơi an toàn. Nhưng hiện giờ toàn bộ đất canh tác vẫn ở đây, gia đình có khoảng 4ha rừng cùng với vườn bãi, nên vẫn phải bám vào chân núi để duy trì kế sinh nhai. Cứ tối đến là cả nhà lại dắt díu nhau ra nhà mới ngủ, sáng ra lại vào đây canh tác, chăn nuôi, chẳng biết bao giờ mới hết cảnh một chốn đôi nơi thế này.

Dự án đầu tư khai thác Mỏ than Minh Tiến của Công ty CP Yên Phước đi vào hoạt động từ năm 2018. Trong quá trình khai thác, Công ty có nhiều sai phạm và đã phải dừng hoạt động khai thác mỏ, hàng loạt cán bộ Công ty đã bị bắt giam. Tuy nhiên, núi đất thải qua nhiều năm khai thác vẫn nằm đó.

Nghiêm trọng hơn, khu vực khai thác lộ thiên của Công ty tại điểm H theo bản đồ thiết kế mỏ được cấp phép, qua quá trình khai thác đã khoét sâu tạo thành một lòng chảo lớn (khoảng 1ha) trên đỉnh núi với độ cao trên 300m so với chân núi. Khi trời mưa, nơi đây thành hồ chứa nước lớn, xung quanh là bờ đất kết cấu thiếu bền chặt, giống như quả “bom nước” treo trên núi, có thể bị vỡ bất cứ lúc nào.

Chúng tôi đến vùng mỏ Minh Tiến đúng vào những ngày mưa dông. Bằng thiết bị ghi hình từ trên cao nhìn xuống núi Hồng, chúng tôi thấy những vạt núi thải gối chồng nhau, ở giữa là hồ nước rộng nhuộm mầu than đen ngòm, kéo dài bám theo ngọn núi. Theo ước tính của người dân ở đây thì hồ nước này có trữ lượng lên đến hàng nghìn mét khối.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao cho biết: Những tưởng sau khi ngừng hoạt động Mỏ, vùng quê này sẽ bình yên trở lại. Nhưng những ảnh hưởng của núi thải này vẫn tiếp diễn, chính quyền và nhân dân địa phương vẫn chưa ngày nào hết lo. Qua thống kê, hiện nay vẫn còn trên 1ha đất bị bùn đá tràn vào không thể canh tác được. Trong khi Công ty không còn hoạt động nên không thể đề nghị hỗ trợ thiệt hại cho bà con. Năm 2021, địa phương đã phải trích nguồn quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ các hộ bị ảnh hưởng nhiều. Trong số 11 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm bởi nguy cơ sạt lở thì đến nay mới có 4 hộ được hỗ trợ để di dời đi nơi khác. Còn lại 7 hộ nằm trong phạm vi 500-700m tính từ chân núi thải vẫn ngày đêm nơm nớp lo âu.

Hiện nay mới là đầu mùa mưa bão nên sẽ còn nhiều trận mưa, theo thời gian, nước ngấm xuống dần phá hủy bờ moong vốn đã yếu ớt và nguy cơ “quả bom nước” vỡ ngày càng lớn dần. Vì vậy, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần sớm có biện pháp giải quyết vấn đề này. Đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong khu vực.