Cũng giống như nhiều dân tộc thiểu số khác trong tỉnh Thái Nguyên, người Mông có những nét văn hóa riêng đặc sắc. Quan niệm về ăn uống cũng là một trong những nét văn hóa rất đặc biệt của người Mông.
Ngoài việc đáp ứng năng lượng cho cơ thể, người Mông quan niệm ăn uống còn có khả năng phòng bệnh, chữa bệnh và bồi bổ cơ thể. Rất nhiều món ăn, nhiều loại thực phẩm nhất là các gia vị như tỏi, gừng, hạt tiêu, tía tô, hành được dùng để phòng bệnh và chữa bệnh. Khi bị cảm lạnh người bệnh thường được ăn món canh gà. Để làm món này người Mông cho rất nhiều gừng giã nát vào nồi canh. Khi bị đi ngoài người Mông tuyệt đối không ăn mỡ, tôm, cá, cua… phụ nữ mang thai không được ăn cá vì người Mông quan niệm cá tanh dễ bị đi ngoài. Sản phụ không ăn các món có mùi thơm vì dễ bị đau bụng, không ăn gừng và các gia vị nóng vì sợ co gân lần sau khó mang thai, không ăn món khô vì dễ bị hậu sản.
Ngoài việc lựa chọn lương thực, thực phẩm, người Mông cho rằng kiêng kỵ trong ăn uống cũng đem lại tốt lành cho sức khỏe. Bởi thế phụ nữ mang thai không ăn những loại hoa quả đã bị chim thú ăn dở vì sợ đứa trẻ sau này sẽ bị sứt môi, không ăn hoa quả dính đôi, trứng gà trứng vịt có hai lòng đỏ vì sợ mang thai sinh đôi, khó đẻ. Để bồi bổ sức khỏe người Mông có bài thuốc nấu thịt với thuốc nam. Chẳng hạn gà mái tơ nấu với các loại lá ký tàu nềnh, nênh đế, sú lia, hía càu, là món ăn tốt cho sản phụ, không chỉ cung cấp nguồn dinh dưỡng giúp sản phụ nhanh hồi phục, có nhiều sữa mà còn giúp nhanh sạch máu đẻ, không đau nhức xương khi thay đổi thời tiết…