Những ngày rét đậm, nghe tiếng rao bánh khúc đê trên đường phố Thái Nguyên, chưa ăn đã ngửi thấy mùi khúc thơm phức, nóng hổi. Bánh khúc là một món quà quen thuộc của người Thái Nguyên mỗi đợt đông về.
Bánh khúc ngon dậy mùi thơm của rau khúc, cái mùi của khúc hòa trộn với cái dẻo căng của hạt xôi, độ bùi bở của đậu xanh lẫn vị thơm ngậy của thịt mỡ tạo cho người thưởng thức một cảm giác hấp dẫn. Không giống cảm giác của bánh chưng, cũng chẳng phải cảm giác của một thứ bánh nào cả, nó là mùi đặc trưng riêng có của rau khúc.
Người thành phố, nhất là trẻ con thì chỉ biết đến bánh khúc thành phẩm mà ít khi để ý đến loại rau tạo ra thứ bánh lạ miệng này. Rau khúc là loài cỏ dại mọc ở triền đê, bờ mương hay ruộng đã gặt lúa. Đặc biệt là rau khúc chỉ mọc vào độ tháng 9 tháng 10 trở đi khi trời hanh khô, bởi thế người sành ăn sẽ biết ăn bánh khúc vào lúc này là ngon nhất và đúng vị.
Chọn rau khúc làm bánh người ta thường chọn lá nếp và hay hái vào lúc sáng sớm, khi trên các nhánh lá còn đọng những giọt sương, rau đem về rửa sạch, luộc và vắt bỏ nước rồi giã nhuyễn, nhặt bỏ xơ. Sau đó chế biến ngay hoặc cấp đông để dự trữ, 1kg lá khúc sẽ cho 0,5kg thành phẩm.
Bánh khúc được làm bằng gạo nếp xay thành bột rồi trộn với lá khúc. Gạo nếp bao giờ cũng phải được chọn lựa rất kỹ, bởi nếp có ngon thì xôi mới dẻo và mềm. Lá khúc xay nhuyễn vắt lấy nước cốt trộn chung với bột nếp nhào thật kỹ.
Nhân bánh làm bằng đỗ xanh đãi vỏ, hấp chín, giã tơi. Cầu kì hơn có thể phi thơm hành và tóp mỡ trộn vào nhân bánh để tăng độ ngậy và béo. Thịt lợn chọn loại ba chỉ hoặc mông sấn cả mỡ cả nạc, thái từng miếng tẩm cho thấm đều gia vị, đặc biệt không thể thiếu hạt tiêu.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ tất cả nguyên liệu mới đến khâu làm bánh. Lấy bột gạo đã trộn lá khúc, gói kín nắm nhân đậu xanh, mỗi chiếc bánh cho một miếng thịt. Sau đó mới xếp vào nồi đồ lên. Để tạo cho mỗi chiếc bánh có lớp vỏ xôi bám ngoài, khi xếp vào nồi mỗi lớp bánh lại rải một lớp gạo nếp, cả đáy và miệng nồi phủ lá chuối xanh cho thơm.
Chỉ với chiếc xe đạp và vài thứ phụ kiện đã thành hàng bánh khúc di động trên mọi nẻo đường. Quanh chợ Thái có tới mấy hàng bánh khúc như thế. Người ăn quen không cần nghe tiếng rao, chỉ thoáng thấy bóng chiếc xe đạp là biết ngay hàng khúc đến. 10 nghìn đồng đủ có những chiếc bánh nóng hổi thơm phức.
Bánh khúc ăn nóng khi ăn cho một chút hành mỡ, tẩm chút vừng lạc. Mùa đông lạnh cầm chiếc bánh nóng trên tay, nghe mùi thơm của đỗ xanh, béo ngậy của thịt lợn đến khi cắn một miếng thấy vị ấm lan tỏa khắp người.