Nhà tù Chợ Chu

16:00, 27/10/2012

Nhà tù Chợ Chu được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia tại Quyết định số 253- Bộ VHTT ngày 25/2/1998.

Di tích Nhà tù Chợ Chu nằm trên đồi cao ở xóm Vườn Rau, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá, (Thái Nguyên). Năm 1889, thực dân Pháp chiếm đóng đã xây dựng đồn bốt. Năm 1894 chúng đặt cơ quan đại lý cai trị vùng này. Đến năm 1916 tiến hành xây dựng nhà tù.

 

 

Nhà tù Chợ Chu ban đầu được làm bằng tre, gỗ, đơn sơ, chủ yếu giam tù thường phạm. Nhà tù Chợ Chu giam giữ các chiến sĩ yêu nước tham gia cuộc khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên (1917) và khởi nghĩa Yên Bái(1930). Năm 1940 cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ, bị thực dân Pháp đàn áp dã man, nhiều chiến sĩ cách mạng và thân nhân bị bắt và đem về giam giữ tại Nhà tù Chợ Chu. Đến năm 1942, Nhà tù được xây dựng lại kiên cố, bằng gạch ngói, xi măng, có thể giam giữ 200 người một lúc...

 

 

Cuối năm 1944 tình hình cách mạng nước ta phát triển mau lẹ, Trung ương Đảng chủ trương lấy cán bộ ở các nhà tù ra để xây dựng lực lượng, Chi bộ Nhà tù Chợ Chu đã nhất trí cử 12 đồng chí vượt ngục. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Xứ uỷ và tổ chức khôn khéo, bí mật của các đồng chí trong tù, ngày 2/10/1944 các đồng chí đã vượt ngục thành công xây dựng được một vùng căn cứ địa hết sức quan trọng ở huyện Định Hoá, Đại Từ (Thái nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang). Thành lập cơ quan chỉ huy chiến khu Nguyễn Huệ do đồng chí Song Hào làm Bí thư, xây dựng căn cứ đón Bác Hồ và Trung ương Đảng về Tân Trào lãnh đạo toàn dân ta khởi nghĩa giành chính quyền 8/1945 thành công.

 

 

Di tích Nhà tù Chợ Chu, biểu tượng sinh động của người chiến sĩ cách mạng nguyện hiến dâng cuộc sống, chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Trong Nhà tù Chợ Chu nhiều đồng chí đã nêu cao tấm gương sáng về tinh thần học tập, trưởng thành qua thực tiễn đấu tranh bất khuất, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.