Cầu Trà - nơi cắm lá cờ cách mạng đầu tiên ở huyện Đại Từ

15:40, 20/08/2013

Nằm ở vị trí giáp ranh giữa 2 xã Phú Xuyên và Yên Lãng, cầu Trà là địa danh gắn liền với sự kiện lịch sử nơi cắm lá cờ cách mạng đầu tiên của huyện Đại Từ trong Cách mạng Tháng 8-1945.

Ông Lê Nguyên Tố, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Xuyên giai đoạn 1995-2000, cũng là người đang phụ trách viết cuốn lịch sử Đảng bộ xã cho biết: Trước năm 1945, phong trào cách mạng trên địa bàn huyện Đại Từ đã phát triển khá mạnh. Ở xã Phú Xuyên (khi ấy có tên là Cao Vân) có ông giáo Thứ, tên thật là Vi Văn Hiến, dân tộc Tày về đây dạy học nhưng thực chất là giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Tiếp sau đó, có ông Trần Văn Mai từ Lạng Sơn về cùng thầy giáo Thứ tổ chức các hoạt động tuyên truyền lên án chế độ thực dân và bọn phản động. Cả 2 đã giác ngộ được nhiều người mà sau này trở thành những chiến sĩ cách mạng nổi tiếng như: Trung Thành, Mậu Sinh, Lý Thanh, Trung Y, Bích Văn…  

 

Cùng thời điểm này, ông Song Hào (tức Thượng tướng Nguyễn Văn Khương) là cán bộ cách mạng bị bắt giam ở nhà tù Chợ Chu (Định Hóa) đã vượt ngục về xã Yên Lãng, cùng với ông Chu Văn Tấn xây dựng khu B Nguyễn Huệ để tập hợp lực lượng và tổ chức huấn luyện tại khu vực lòng hồ Phú Xuyên hiện nay. Thời cơ cách mạng chín muồi, một nhóm cán bộ cốt cán đã tổ chức họp để thống nhất kế hoạch khởi nghĩa.

 

Sáng sớm ngày 25-3-1945, người dân địa phương thấy ngay sát đầu cầu Trà có một lá cờ đỏ, sao vàng tung bay trước gió. Ngọn cờ giương cao như khích lệ, tiếp thêm động lực cách mạng cho tất cả mọi người. Ông Lương Văn Đổng, người xã Yên Lãng ) và bà Nông Thị Lâm (người xã Phú Xuyên), là người cầm lá cờ, cùng đoàn người tiến lên xã Yên Lãng tổ chức mít tinh biểu dương lực lượng ngay trong ngày hôm đó. Tiếp đó, một đoàn khoảng 400 người, bao gồm nhiều cán bộ cách mạng cốt cán đã mang theo lá cờ này tiến về trung tâm huyện lỵ Đại Từ để khởi nghĩa, giành lại chính quyền vào ngày 29-3-1945.

 

Trước Cách mạng Tháng Tám, cầu Trà khá hẹp, có chiều dài khoảng 30m, có trụ xây bằng đá. Theo ý kiến của một số vị lão thành cách mạng, sở dĩ chọn cầu Trà là nơi cắm lá cờ cách mạng đầu tiên ở Đại Từ bởi nó nằm ở vị trí trung tâm, rất gần với các cơ sở cách mạng đóng quân trên địa bàn. Cầu Trà thuộc Quốc lộ 37, lại có vị trí khá cao so với xung quanh nên người dân có thể dễ dàng nhìn thấy. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, do yêu cầu cách mạng cầu Trà bị đánh sập, thay thế bằng cầu tạm bắc qua sông. Sau này, cùng với việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 37, cầu Trà cũng được xây dựng mới to, rộng hơn.