Trên địa bàn phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) có một con đường tên là đường Phú Thái. Có lẽ không phải ai cũng biết, đây là tên của một đồn điền do người Pháp cai quản từ những năm 1930. Trong hàng nghìn nông dân nghèo khổ cày thuê, cuốc mướn ở đồn điền này có cặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Quý và bà Nguyễn Thị Quế. Căn nhà của họ (nay ở tổ 12, đường Phú Thái) trước kia là Trạm liên lạc bí mật của Xứ ủy Bắc kỳ.
Tôi tìm đến căn nhà xưa, nay là một biệt thự rộng rãi với rất nhiều cây cảnh uốn tỉa công phu. Ông Quý đã mất từ lâu, bà Quế đã vào tuổi 88, hiện ở với người con trai thứ 5. Bà bị bệnh run tay nhưng mắt và tai vẫn còn tinh, trí nhớ còn khá tốt.
Câu chuyện bà kể cho tôi nghe gợi lại thời nhân dân ta sống cực khổ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp.
- Quê tôi ở xã Thái Học, huyện Cầm Giàng, Hải Dương. Năm tôi lên 8 tuổi (1936), ở quê đói khổ quá, bố mẹ tôi gồng gánh 5 người con lên Thái Nguyên. Lúc đó chỗ này là đồn điền Phú Thái, xã Đồng Quan, huyện Đồng Hỷ (không phải Đồng Quang). Toàn cây cối rậm rạp, rừng núi âm u, hổ về gầm rú quanh nhà. Thái Nguyên người chết đói như ngả rạ, 3 em của tôi cũng bị chết đói. Cả nhà tôi làm thuê trong đồn điền Phú Thái. 18 tuổi thì tôi lấy chồng. Ông ấy sinh năm 1917 tại thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Từ năm 1938 ông đã làm liên lạc, đưa thư từ, đón cán bộ cách mạng ở quê. Năm 1940, ông ấy lên Thái Nguyên, chúng tôi gặp và kết duyên.
Từ đó, bề ngoài cặp vợ chồng này là những “lão nông tri điền” nhưng họ là người nuôi giấu, làm liên lạc cho cán bộ. Những người qua lại nơi này hoạt động cách mạng như các ông: Đào Xuân Trường (tức Thành Ngọc Quảng); Hải Long; Ngô Thị Đảng; Nguyễn Văn Thanh; Trần Văn Cự…
Bà Quế kể cho tôi nghe một kỷ niệm nhớ đời, đó là lần cả nhà bà (gồm 2 vợ chồng, 2 cô em) và ông Đào Xuân Trường bị Pháp bắt. Do 1 liên lạc viên của ta từ Võ Nhai về đến Thái Nguyên thì bị lộ. Ông này chạy thẳng đến Trạm liên lạc, lúc đó ông Trường đang ở đây. Thấy động ông Quý mang bọc tài liệu ông Trường giữ ném vào chuồng trâu, mấy con trâu dẫm thụt xuống đám phân. Còn ông Trường thì ông bà khai là lái lợn, đi qua bị sốt nhờ người mua thuốc. Sau 20 ngày giam cầm tra hỏi không thu được gì, chúng phải thả ông bà, còn ông Trường bị chúng giam tiếp. Năm 1960, ông Trường tìm về thăm gia đình. Dịp Quốc khánh năm đó, ông Quý và một số người có công nuôi giấu cán bộ trong thời kỳ hoạt động bí mật đã được về Hà Nội, gặp và chụp ảnh với Bác Hồ (hiện nhà bà Quế đang treo tấm ảnh này). Ông Quý được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất (1961) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (1968). Ông mất năm 1970 khi đang làm Thường trực Đảng ủy xã Thịnh Đán.