Từ lâu, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đã được biết đến là vùng chè đặc sản của tỉnh Thái Nguyên.
Trong số 11 xóm của thị trấn, có xóm 5 và xóm 9 đã được tỉnh công nhận làng nghề chè truyền thống (đầu năm 2012). Sản phẩm chè của 2 xóm này được đánh giá là ngon hơn các xóm khác. Đây cũng là 2 địa phương đã có các “nghệ nhân” tham dự Cuộc thi Bàn tay vàng, nằm trong hoạt động của Festival Trà Thái Nguyên – Việt Nam (năm 2011 và 2013).
Hiện nay, xóm 9 có khoảng 40 ha chè, xóm 5 có khoảng 80 ha chè (diện tích chè của 2 xóm chiếm khoảng 20% diện tích chè của thị trấn). Điều khác biệt của 2 xóm này với các xóm khác của thị trấn là người dân ở đây đã phá bỏ diện tích chè trung du để trồng thay thế vào đó các giống chè cành như LDP1, TRI 777, Kim tuyên... Đặc biệt, đây cũng là 2 xóm đầu tiên của thị trấn đưa giống chè Nhật vào trồng. Sản phẩm chè Nhật Bản đã được đánh giá cao tại Festival trà lần thứ nhất và thứ hai. Theo các hộ dân ở đây, giống chè Nhật đã được các kỹ sư nông nghiệp người Nhật Bản đưa về trồng ở nhiều vùng đất trong huyện nhưng chỉ khi được trồng ở Sông Cầu, chất lượng chè mới ngon, cánh chè mới đẹp. So với giống chè trung du, cánh chè Nhật sau khi chế biến nhỏ hơn, nhưng mùi vị của chè thơm hơn, khi pha, nước có màu xanh, vị ngọt dịu nhẹ.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm chè, hiện nay, người dân ở 2 xóm này đang trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt). Theo đó, đã có gần 12 ha chè của 2 xóm này được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, chè ở đây đang được bán với giá từ 200 nghìn đến 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra đến đâu đều hết đến đó.
Đến xóm 5 và xóm 9 của thị trấn Sông Cầu, chúng ta không chỉ được thưởng thức những chén chè ngon, được tìm hiểu quy trình sản xuất chè an toàn mà còn được ngắm những đồi chè bát ngát xanh.