Bến Giềng

10:39, 24/11/2015

Bến Giềng là một bến sông nhỏ thuộc địa phận xóm Bến Giềng, xã Sơn Cẩm (Phú Lương), địa điểm này không chỉ gắn bó với người dân địa phương từ lâu, mà còn có nhiều giá trị về lịch sử.

Không ai biết bến sông này có từ khi nào, nhưng đến nay tên gọi Bến Giềng còn được đặt cho tên xóm và một ngôi đền gần đó. Những người cao tuổi ở địa phương cho biết, bến nối 2 bờ của sông Đu (còn gọi là sông Bến Giềng) – một phụ lưu của sông Cầu. Sông Đu đi qua trung tâm xóm, đồng thời cũng chia xã Sơn Cẩm thành 2 miền theo chiều Đông - Tây. Phía bên kia sông gồm 7 xóm là: Táo 1, 2, Thành Trà 1, 2, Quang Trung 1, 2 và Hiệp Lực. Vì sông nhỏ, nên bến đò chỉ hoạt động vào mùa lũ khi nước dâng cao, mùa khô có thể lội bộ qua. Những năm trước đây, tại xóm có vợ chồng ông Sự chuyên lái đò đưa đón khách sang sông nên người dân  còn quen gọi là bến ông Sự.

 

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bến Giềng giữ vị trí quan trọng trên con đường vận chuyển vũ khí, khí tài của bộ đội ta. Ông Nguyễn Bá Trường, người dân xóm Bến Giềng cho biết: Vùng đất 7 xóm bên kia sông trước đây rất rậm rạp, kín đáo, lại có vị trí rất đặc biệt vì nằm kẹp giữa sông Cầu và sông Đu, giáp ranh với cả huyện Phú Lương, Đồng Hỷ và T.X Thái Nguyên. Tại đây từng hình thành một xưởng sản xuất quân khí phục vụ kháng chiến. Các loại vũ khí, trang thiết bị thường được vận chuyển qua Bến Giềng để tập kết tại khu vực Quốc lộ 3 hiện nay rồi chuyển tới chiến trường. Trong trí nhớ của ông Trường thì khu vực xóm Bến Giềng khi đó có nhiều suối nhỏ, những cây cầu bắc qua suối thường làm bằng sắt hoặc thanh tà vẹt tận dụng từ xưởng sản xuất quân khí. Bến sông khi đó cũng hoạt động khá tấp nập.

 

Khoảng năm 1960, khu vực Bến Giềng hình thành một cây cầu treo nhỏ phục vụ việc đi lại nên vai trò của bến sông giảm dần. Năm 2003, Nhà nước đã đầu tư xây dựng một cây cầu sắt, ô tô cũng có thể qua lại được (ảnh).