Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, chúng tôi có dịp về thôn Cổ Pháp - quê hương vị vua đầu tiên của nước ta – Lý Nam Đế. Đây cũng là vùng căn cứ cách mạng của nước ta trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập. Thênh thang đi giữa những con đường bê tông phẳng lì, hai bên là cánh đồng ngô, rau xanh mướt, chúng tôi cảm nhận một sức sống mãnh liệt đang vươn mình mạnh mẽ...
Thăm lại những di tích xưa tại vùng ATK II, chúng tôi như được sống lại những năm tháng chiến tranh. Ngôi nhà của bà Lưu Thị Phận, là địa điểm bí mật đưa đón cán bộ, phát hành báo chí, tổ chức một số cuộc họp quan trọng của Trung ương Đảng và Xứ ủy. Tại đây, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã chủ trì hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương VII tháng 11-1941, quyết định chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang giành chính quyền. Trong những ngày tháng tiền khởi nghĩa, không chỉ bảo vệ tuyệt đối cho cơ sở cách mạng, quân và dân địa phương còn tham gia chiến đấu, lập nhiều chiến công, phá tan nhiều trận càn của địch xâm nhập vào ATK II, nhân rộng ngọn lửa cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 thành công...
Tự hào là vùng đất ATK Anh hùng, bà con ở đây cùng với chính quyền địa phương luôn quan tâm, nỗ lực hết mình để bảo tồn, giữ nguyên giá trị của di tích, không những thế, trong những năm qua nhân dân Cổ Pháp luôn tích cực trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thôn Cổ Pháp gồm 4 xóm: Ao Cả, Kết Hợp, Thái Cao và Định Thành. Toàn thôn có trên 500 hộ, người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Trên diện tích khoảng 150ha đất nông nghiệp, những năm gần đây, bà con Cổ Pháp đã thực hiện tốt việc luân canh, tăng vụ, mạnh dạn đưa các mô hình mới vào gieo trồng trên đồng đất Cổ Pháp để lựa chọn các giống cây trồng mang lại năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, từ đó chuyển dịch mạnh các diện tích lúa thuần sang trồng lúa lai, ngô lai, đỗ tương, khoai tây, ớt... Vì vậy, hầu hết cánh đồng ở Cổ Pháp đã đạt giá trị sản xuất trên 50 triệu đồng/ha/năm, có những diện tích đem lại cả trăm triệu/ha. Để phá thế thuần nông, cùng với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bà con trong xã đã mạnh dạn xây dựng các trang trại chăn nuôi lợn có quy mô từ 100 con/lứa trở lên và trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô hàng nghìn con. Đặc biệt, trong những năm gần đây, người dân ở đây đã đầu tư phát triển nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Hiện toàn thôn có trên 100 xưởng mộc, thu hút hàng trăm lao động. Nhờ đó, đời sống bà con Cổ Pháp ngày càng được nâng lên, số hộ nghèo giảm nhanh, hiện nay toàn thôn chỉ còn 24 hộ nghèo, giảm gần 30 hộ so với năm 2010.
Đến thăm cơ sở sản xuất đồ gỗ mĩ nghệ của gia đình anh Hoàng Văn Minh, xóm Định Thành, chúng tôi chứng kiến không khí lao động sôi nổi, khẩn trương của công nhân trong xưởng. Trong gian nhà xưởng đã được xây dựng khang trang, rộng rãi, các sản phẩm gỗ đang được các công nhân mài, đục, trạm trổ muôn hình muôn vẻ từ rồng, phượng, đến hoa sen, hoa cúc… trông đẹp mắt. Anh Minh là đời thứ ba làm nghề mộc của gia tộc họ Hoàng ở Cổ Pháp. Với bàn tay khéo léo và sự năng động của mình, anh Minh đã không ngừng mở rộng quy mô xưởng, phát triển khách hàng. Anh luôn là một trong những người đi đầu trong việc áp dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất đồ mộc ở địa phương, thời gian gần đây, anh còn đưa kỹ thuật khắc vi tính vào làm, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện, với lượng khách hàng ổn định, mỗi năm anh xuất trên 100 sản phẩm với doanh thu hàng tỷ đồng, đem lại lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm. Anh Minh cho biết: Hiện nay, cơ sở đang tập trung sản xuất hàng phục vụ Tết với các sản phẩm chủ yếu là: Tủ, bàn, ghế, kệ… Gần đến Tết, đơn đặt hàng nhiều, nên ngoài 4 lao động làm việc thường xuyên, gia đình phải tăng cường thêm 3 lao động nữa để kịp sản xuất phục vụ khách.
Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, bà con Cổ Pháp đã tích cực ủng hộ xây dựng các công trình như: Nhà văn hóa, kênh mương và đặc biệt là phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở Cổ Pháp được bà con hưởng ứng rất nhiệt tình. Tết này, người dân Cổ Pháp lại có thêm niềm vui khi chuẩn bị có thêm con đường bê tông khang trang, sạch đẹp. Đó là tuyến đường nối 2 xóm Ao Cả đi Định Thành, tuyến đường có chiều dài gần 1.400m vốn được trải bê tông từ lâu nên nay một số đoạn đã xuống cấp, thêm vào đó trước đây đường chỉ rộng 3m. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân 2 xóm đã đồng thuận tự nguyện phá tường rào, chặt bỏ cây màu 2 bên đường để mở rộng con đường ra 7m. Dự kiến, tuyến đường sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán Bính Thân. Để nâng cấp con đường này theo tiêu chuẩn nông thôn mới, 64 hộ dân 2 xóm đã đồng lòng hiến trên 11.000m2 đất và nhiều tài sản, cây màu trên đất cùng với hàng trăm công lao động.
Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng gia đình anh Nguyễn Quang Vịnh, xóm Định Thành đã tự nguyện chặt bỏ diện tích ngô đã sắp đến ngày thu hoạch cộng với phá dỡ tường rào để hiến 300m2 đất cho tuyến đường liên xóm Ao Cả - Định Thành mà không đòi hỏi bất kỳ một khoản đền bù nào. Anh chia sẻ: Việc hiến đất là trách nhiệm và nghĩa vụ của của mỗi người dân, hy sinh cái riêng để được cái chung của cộng đồng. Và tôi luôn đồng tình, ủng hộ việc làm các tuyến đường nội thôn của chương trình nông thôn mới. Việc gia đình tình nguyện hiến đất để làm đường nội thôn với mong muốn là có con đường mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại trao đổi buôn bán, phát triển sản xuất và nhất là thu hoạch sản phẩm từ nông, lâm nghiệp của gia đình tôi và các hộ gia đình khác trong thôn.
Đó không chỉ là suy nghĩ của riêng anh Vịnh mà còn rất nhiều gia đình ở Cổ Pháp sẵn sàng hiến đất, góp sức vào xây dựng đường giao thông nông thôn cho xóm làng mình. Nhìn những con đường bê tông chạy dài dưới ánh nắng của những ngày xuân ấm áp, ông Hoàng Anh Thái, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Thôn có trên 6km đường giao thông, đã trải bê tông được 90%. Hiện thôn đang tiến hành mở rộng các tuyến đường để đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, phục vụ nhu cầu đi lại của bà con cũng như vận chuyển hàng hóa, nông sản. Tính đến nay, bà con trong thôn đã hiến gần 20.000m2 đất các loại để mở rộng đường. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động nhân dân mở rộng thêm 2 tuyến nữa với tổng chiều dài khoảng 3km.
Chuẩn bị đón năm mới với niềm hân hoan vì sắp có con đường mới, người dân Cổ Pháp càng hăng hái lao động, chung tay san gạt mặt bằng để kịp khánh thành con đường trước Tết. Đường giao thông thuận lợi sẽ thu ngắn khoảng cách giữa địa phương với trung tâm Thị xã và các xã lân cận, đời sống người dân cũng nhờ thế sung túc hơn.