Nằm giáp ranh với xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang), xóm Bãi Bông, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) từng là địa điểm đặt công trường lắp ráp tên lửa do các chuyên gia của Liên Xô và Trung Quốc sang giúp đỡ nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Ông Triệu Đức Chung, năm nay hơn 80 tuổi, ở xóm Bãi Bông nhớ lại: Các chuyên gia Liên Xô chuyến đến xóm từ năm 1965, địa điểm đặt công trường là khu vực Vai Cày. Sở dĩ có tên gọi như vậy bởi nơi đây là một con dốc nhỏ, uốn cong như chiếc vai mắc vào cổ con trâu khi cày ruộng. Khu vực Vài Cày có địa thể khá kín đáo, có rất nhiều cây lim xanh cổ thụ rợp bóng mát. Giao thông khi đó khá thuận lợi, có thể nhanh chóng tháo dỡ thiết bị để di chuyển đến nơi khác khi cần thiết. Khu công trường được canh gác rất nghiêm ngặt, người dân địa phương chỉ biết chứ không được vào xem. Trong 3 năm (1965-1957), đã có hàng trăm tấn thiết bị và vũ khí được đưa tới đây lắp ráp, rồi sau đó vận chuyển ra chiến trường.
Cách Vai Cày không xa là nơi ở và làm việc của các chuyên gia Trung Quốc. Ông Triệu Tiến Hội, Bí thư Chi bộ xóm Bãi Bông cho biết: Số lượng chuyên gia Trung Quốc khi ấy lên tới vài trăm người. Họ làm khu nhà ở gần đập Cập Kè, có cả đường hầm xuyên núi để trú ẩn khi có máy bay Mỹ. Ngoài ra, tại đây còn có một trận địa pháo khá quy mô nhằm bảo việc thi công tuyến đường sắt Thái Nguyên đi Kép (Bắc Giang). Dọc trục đường chính qua xóm (nay là đường tỉnh 269), có nhiều lán tạm được dựng lên để tập kết vũ khí và thiết bị trước khi đưa ra chiến trường.
Đến năm 1967, khu công trường lắp ráp tên lửa và trận địa pháo được di chuyển đi nơi khác. Ông Hội kể, một vài năm trước đây những ụ đất đặt pháo còn xót lại trong những năm kháng chiến chống Mỹ cũng đã được người dân san gạt để tạo mặt bằng canh tác nông nghiệp.