Đường Quy Bơ

08:36, 18/04/2016

Có lẽ không nhiều người biết đường Minh Cầu (phường Phan Đình Phùng, Thành phố Thái Nguyên) hiện nay, xưa kia có tên là đường Quy Bơ.

Cái tên này xuất hiện khoảng năm 1960, do trên đoạn đường dài khoảng 500 mét, nhỏ hẹp này có Xí nghiệp sản xuất bánh kẹo thủ công, sản phẩm chủ yếu là kẹo cứng gói giấy giang, các loại mứt (phân phối cho nhân dân ăn Tết) và bánh quy, bánh bơ.

 

Bánh quy, bánh bơ được làm bằng bột mì và đường, thêm chút hương liệu, đây là hai loại bánh chủ yếu bán trên thị trường thời bao cấp. Bánh quy có hình dáng dẹt, dài nhỏ cỡ hai ngón tay, trên mặt bánh rắc đường kính, đóng vài chục chiếc trong túi ni lông. Bánh bơ hình tròn, trông như chiếc đĩa con, gói 5 chiếc trong giấy cứng màu nâu. Hai loại bánh này bán trong các cửa hàng ăn uống. Mỗi người chỉ được mua 1-2 gói bánh quy hoặc bánh bơ, ai muốn mua nhiều phải xếp hàng “quay vòng” hoặc nhờ người mua hộ. Hai loại bánh giản dị ấy là thức quà sang trọng thời thiếu thốn, là ước mơ, niềm vui của con trẻ mỗi khi đón bố mẹ đi xa về. Có lẽ vì thế mà con đường có Xí nghiệp sản xuất bánh kẹo được gọi luôn là đường Quy Bơ. Xí nghiệp Bánh kẹo Bắc Thái sau phát triển thành Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm, sản xuất mặt hàng chính là bia hơi nhãn hiệu Vicoba. Điểm nhấn của Công ty là Nhà hàng Vicoba, hai tầng, nơi bán bia hơi, tổ chức tiệc cưới, có thể phục vụ vài trăm thực khách một lúc.

 

Từ khi nâng cấp, nối thông với đường Cách mạng Tháng Tám, đường Quy Bơ có tên chính thức là đường Minh Cầu. Dân cư đông đúc, buôn bán sầm uất, nhiều siêu thị, địa điểm tổ chức sự kiện. Đặc biệt, khu vực này trở thành trung tâm ẩm thực của thành phố Thái Nguyên với hàng chục quán đặc sản, nhà hàng sang trọng, phục vụ các món ăn của Nhật, Hàn Quốc.

 

Dường như con đường mang tên một loại bánh ngày nào có mối liên hệ chặt chẽ với con đường ẩm thực Minh Cầu hôm nay?.