Lễ khai giảng năm học đầu tiên của Trường Văn hoá Quân đội (sau khi di dời từ huyện Hiệp Hoà - Bắc Giang lên Chiến khu Việt Bắc) diễn ra dưới những cánh rừng bạt ngàn của xã Mỹ Yên (Đại Từ) để tránh bom đạn của giặc Mỹ được tổ chức trang trọng đúng ngày 15-10-1965 (một năm sau ngày Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi hy sinh). Cũng từ đây, trường được đổi tên thành Trường Văn hoá Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi và chính thức được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo thế hệ học sinh là con em cán bộ trung cao cấp trong và ngoài quân đội, con em gia đình có công với nước.
Trong Lễ khai giảng của Trường năm ấy, gần 1.000 học viên thùng thình trong bộ “quân phục” với áo blu - dông, quần xanh tím than, giọng nói còn chưa vỡ đã nắm tay ngang đầu, hô 9 lời thề danh dự. Trong số học viên của trường Văn hoá Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi hồi đó có nhiều người từ miền Nam tập kết ra Bắc trong đó có học viên Võ Dũng, con trai của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt…Cơ sở vật chất của Trường những ngày đầu còn thiếu nên hầu hết học viên được những hộ dân ở địa phương cho ở nhờ, hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày.
Từ mái trường này, hơn 1.000 học viên được tiếp tục đào tạo nâng cao trong các trường sĩ quan, trường chuyên nghiệp để trở thành kỹ sư, bác sĩ, sĩ quan quân đội phục vụ cho cách mạng. Trong đó, có những học viên của Trường Văn hoá Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã được Trung ương bổ nhiệm, giữ chức vụ cao như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, 3 học viên sau này được phong quân hàm Trung tướng, 15 học viên được phong quân hàm Thiếu tướng…
Do yêu cầu và hoàn cảnh lịch sử, trường Văn hoá Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi sau đó đã dừng hoạt động nhưng học viên từng học tập, rèn luyện dưới mái trường này luôn nhớ về những tháng ngày đầy ắp kỷ niệm vui buồn, những bài học về làm người, làm cán bộ cách mạng. Khi trở lại thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Yên mới đây, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, Trường Văn hoá Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi chỉ hoạt động trong 5 năm nhưng đã tạo nền tảng quan trọng để đào tạo nhiều cán bộ có uy tín, năng lực, bản lĩnh cho Đảng, Nhà nước. Các học viên chỉ học tập cùng nhau 5 năm nhưng bạn bè gắn bó, yêu thương nhau như anh em ruột thịt. Đặc biệt, tình quân dân keo sơn, thắm thiết ở Chiến khu khiến các học viên của Trường không bao giờ quên được mảnh đất, con người nơi đây. Để tri ân những tình cảm đó và hồi nhớ ký ức đã qua, Ban liên lạc Trường Văn hoá Quân đội - Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi thường tổ chức các đợt về nguồn tại xã Mỹ Yên..