Ký ức về kho lương thực, cửa hàng bách hóa của tỉnh những năm chống Mỹ

09:57, 24/09/2016

Theo nhiều người cao tuổi kể lại, từ năm 1960, tại trung tâm xóm Thanh Xuyên, xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) nay thuộc xóm Thanh Xuyên 5 là nơi đặt kho lương thực của tỉnh, chuyên thu mua lương thực của huyện Phổ Yên để cung cấp cho quân đội và công nhân các nhà máy, xí nghiệp đóng chân trên địa bàn.

Diện tích kho lương thực rộng hàng nghìn m2, nằm trong đồi cây bạch đàn rậm rạp. Kho có 10 nhân viên giữ kho, phát tem phiếu. Cả khu gồm 10 nhà kho, mỗi nhà chứa hàng trăm tấn thóc, gạo và sắn. Bà Đàm Thị Thuận, người ở miền Thanh Xuyên kể: Tôi cùng 8 chị em trong lực lượng dân quân xã những năm 60-70 của thế kỷ trước được phân công nhiệm vụ rà bom, mìn, tuần tra hàng đêm xung quanh khu vực để đảm bảo an toàn địa bàn, trong đó có kho lương thực. Để tránh máy bay Mỹ bắn phá, đến đêm các xe tải mới vận chuyển, bốc xếp hàng ở kho lương thực. Cạnh đó, đến những năm 1970 còn có cửa hàng bách hóa phục vụ nhân dân địa phương từ xà phòng, mắm, muối và tất cả các vật dụng cho sinh hoạt.

 

Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều đợt đánh bom tàn phá ác liệt của giặc Mỹ, song với sự trách nhiệm của lực lượng dân quân xã Trung Thành cùng bà con nhân dân, trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, kho lương thực, cửa hàng bách hóa được đảm bảo an toàn, không để xảy ra cháy, nổ, trộm cắp. Sau giải phóng, kho lương thực phục vụ hàng hóa cho cả nhân dân trong vùng. Đến năm 1990, chế độ bao cấp không còn, kho lương thực và cửa hàng bách hóa giải thể, toàn bộ khu nhà bị phá bỏ. Gần 10 năm nay, phần đất đó được giao cho người dân ở và canh tác.

 

Kho lương thực của tỉnh và cửa hàng bách hóa xưa ở Thanh Xuyên gắn với một thời đạn bom nguy hiểm, vất vả và chế độ bao cấp thiếu thốn nay chỉ còn trong ký ức của người cao tuổi. Địa điểm kho lương thực xưa giờ mọc lên nhà cửa cao tầng, xây dựng san sát, một phần diện tích người dân trồng hoa màu và cấy lúa (ảnh). Còn cửa hàng bách hóa nay chính là địa điểm ki ốt xăng dầu Mạnh Hùng, nằm dọc trục Quốc lộ 3 cũ.