Tục ngữ có câu “Chè Thái, gái Tuyên” để ca ngợi chè Thái Nguyên rất ngon và phụ nữ Tuyên Quang rất đẹp. Nhưng với tôi, một người đã từng được đặt chân đến tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước thì cần phải bổ sung câu tục ngữ nói trên thêm “Gái Thái Nguyên vừa duyên vừa giỏi”...
Ở cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội giữa vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng Bắc Bộ, lại ở ngay cạnh Thủ đô, phụ nữ Thái Nguyên vừa có những nét hào hoa thanh lịch của các cô gái Hà Nội, vừa có những nét mộc mạc, hồn nhiên của các cô gái miền sơn cước. Thái Nguyên nằm cạnh Tuyên Quang, hai tỉnh được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu luôn trong lành, rất phù hợp với sự phát triển của người phụ nữ, “Chè Thái, gái Tuyên” là vậy.
Tại vòng chung khảo phía Bắc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 diễn ra vào tháng 7 vừa qua tại Tuần Châu, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Ban giám khảo và khán giả rất ấn tượng với thí sinh Trần Tố Như, người con của quê hương Thái Nguyên hiện đang là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Với dáng vóc hiện đại, năng động và tự tin, trong cả ba phần thi là: Trang phục áo dài, áo tắm và dạ hội, Tố Như đều tỏa sáng trên sân khấu và nhận được nhiều tràng pháo tay từ khán giả. Trần Tố Như xứng đáng là thí sinh được xướng tên đầu tiên trong đêm chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam năm 2016. Tố Như từng đăng quang Hoa khôi Thanh niên Thanh lịch và Thời trang của thành phố Thái Nguyên năm 2012. Khi đó, cô 15 tuổi và là học sinh chuyên Anh tại trường THPT chuyên Thái Nguyên. Trần Tố Như cũng là sinh viên có vinh dự được diện kiến Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, ngài Barack Obama trong lần ngài đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 5-2016, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia. Trên fanpage của Hoa hậu Việt Nam, cô gái Thái Nguyên được khán giả ủng hộ và bình luận tích cực về nhan sắc lẫn học thức. Đến vòng thi chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016, Trần Tố Như - Người đẹp Thái Nguyên đã lọt vào top 10 người đẹp nhất của cuộc thi và giành được giải "Người đẹp có gương mặt khả ái nhất". Thái Nguyên còn có nhiều người đẹp như Trần Tố Như nhưng vì nhiều lý do, họ không thi hoa hậu. Nếu thi, tôi tin chắc rằng, sẽ có nhiều cô gái Thái Nguyên lọt vào vòng chung khảo.
Khác với phụ nữ của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, vẻ đẹp của các cô gái Thái Nguyên gắn liền với sự duyên dáng, mặn mà. Tôi đã từng đứng hằng giờ để ngắm nhìn các cô gái vùng Tân Cương hái chè như múa. Xem không chán các chị, các cô ở làng nghề bánh chưng Bờ Đậu thoăn thoắt gói bánh như thể biểu diễn ảo thuật.
Thiếu tá, bác sĩ Hoàng Mai Sao, nữ Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Quân khu 1 đang khám bệnh cho các đối tượng chính sách ở huyện Phú Lương.
Nhiều người có chung nhận xét: Phụ nữ Thái Nguyên thảo hiền và chăm chỉ. Tại Bộ Tư lệnh Quân khu 1 nơi tôi công tác, phần lớn các công việc tạp vụ hằng ngày như nấu ăn, dọn vệ sinh, văn thư... là do các chị em quê ở Thái Nguyên đảm nhiệm. Công việc khá bận rộn, nhưng chưa bao giờ tôi thấy chị em kêu ca, đặc biệt không thấy chị em ghen tỵ như nhiều cơ quan khác ở Hà Nội. Thiếu tá QNCN Dương Thị Kiều Thanh, nhân viên nấu ăn cho thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu quê ở thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ là một ví dụ. Chồng Kiều Thanh cũng là bộ đội, chỉ huy một đơn vị đặc thù của Quân khu, công việc rất bận. Kiều Thanh vừa gánh vác công việc gia đình, vừa tất bật với công việc của cơ quan, nhưng trên môi luôn nở nụ cười.
Hơn ba tháng được sống và làm việc tại Thái Nguyên, được đến thăm và làm việc với nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng tôi chưa hề gặp trường hợp chị em phụ nữ cãi nhau. Dường như phụ nữ ở đây tần tảo, thương chồng, thương con hơn một số địa phương khác. Tôi đã đến xóm Đồng Thái, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) và rất cảm phục chị Nguyễn Thị Lệ. Chị Lệ đã giúp chồng là anh Hà Chí Dân cai nghiện ma túy . Không thể kể kết những đau khổ của người vợ khi chồng trót nghiện và nỗi gian truân của người đoạn tuyệt với ma túy. Thế nhưng bằng sự yêu thương của người vợ và có sự động viên giúp đỡ của bà con trong xã, anh Dân đã cai nghiện thành công từ năm 2002.
Nhà báo Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên với các chiến sĩ hải quân trong chuyến công tác đến đảo Tốc Tan, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Chị em phụ nữ Thái Nguyên không chỉ đảm đang việc nhà mà còn rất giỏi việc nước, nhiều chị đã trở thành các nhà lãnh đạo, nhà quản lý giỏi được “phái mạnh” ngưỡng mộ. Tại lễ bế mạc lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (đối tượng 2) khóa 87 do Quân khu 1 tổ chức tại trường Quân sự Quân khu, người đạt điểm cao nhất không phải là nam giới (chiếm tỷ lệ tới 2/3) mà là phụ nữ, đó là chị Lê Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Cá nhân duy nhất của Quân khu 1 được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc năm 2015 là chị Hoàng Mai Sao, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn quân y 24 thuộc Sư đoàn 346. Mai Sao quê ở xã Định Biên, huyện Định Hóa và cô cũng là nữ tiểu đoàn trưởng đầu tiên của Quân khu 1.
Làm việc với lãnh đạo huyện Phú Lương, tôi rất ấn tượng với “dàn” cán bộ nữ ở đây, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Thị Mai, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Phú Lương. Các chị, các em luôn nhiệt tình, trách nhiệm và giải quyết công việc một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển đầy nữ tính.
Là đồng nghiệp, tôi thực sự ngưỡng mộ hai nữ nhà báo đứng đầu hai cơ quan báo chí lớn nhất của Thái Nguyên là chị Đỗ Thị Thìn, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Thái Nguyên và chị Nguyễn Thị Vũ Anh, Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Thái Nguyên. Trước “cơn lốc” của mạng xã hội, hai cơ quan báo chí này không những đứng vững mà liên tục phát triển. Báo Thái Nguyên bản in tăng số lượng phát hành, tăng số lượng người đọc trên báo điện tử. Đặc biệt là tờ báo luôn giữ được bản sắc riêng, định hướng được dư luận. Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên ngày càng được khán giả trong tỉnh và ngoài tỉnh mến mộ. Lẽ dĩ nhiên, để làm ra một trang báo, một chương trình phát thanh, truyền hình là cả một tập thể, nhưng người đứng đầu cơ quan báo chí có vai trò quan trọng. “Chị Thìn đã truyền lửa nhiệt tình, trách nhiệm cho chúng em” - Một phóng viên trẻ của Báo Thái Nguyên đã nói với tôi như vậy.