Một mái chùa mang hùng thiêng sông núi

10:15, 26/07/2017

Đứng bên dòng sông Công, vẳng nghe tiếng mõ rơi vào chiều tím, lòng cảm hoài về một miền xa ngái đã đi qua bao đời kiếp con người, nhưng có gì đó gần gụi, thương mến mà thiêng liêng. Tiếng mõ chùa đã làm tôi ngẩn ngơ, nghĩ suy và chợt nhận ra ở nơi này, có một mái chùa che chở bao đức tin con người, và là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lựa chọn làm điểm tập kết khi đưa quân chủ lực từ Cây đa Tân Trào (Sơn Dương - Tuyên Quang) sang giải phóng T.X Thái Nguyên (ngày 16-8-1945).

Đó là chùa Thịnh Đán, ngự ở xóm Chùa, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên). Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ngôi chùa này được cán bộ Việt Minh làm nơi chốn đi về, gặp gỡ, bàn chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do. Cụ Nguyễn Văn Hữu, 85 tuổi, cư dân xóm Chùa kể: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, nhân dân ai nấy sĩ khí ngút trời, khi đó tôi 13 tuổi, nhưng còn nhớ như in hình ảnh nhân dân trong vùng nô nức gánh lương thực, thực phẩm đến Chùa ủng hộ quân giải phóng.

 

Cụ dừng lời để hồi nhớ lại những tháng ngày đã đi qua cuộc đời ông, rồi ôn tồn kể: Trước hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực sang Thái Nguyên, nhân dân trong vùng Thịnh Đán đã bí mật bảo nhau xay gạo, nắm cơm chuẩn bị đón bộ đội. Mỗi người một việc, rất bí mật. Ngay như trong nhà tôi, giữa mọi người cũng không ai tiết lộ việc mình đang chuẩn bị cho kháng chiến. Tôi còn nhớ có lần cụ đẻ tôi hỏi anh Nguyễn Văn Khánh, 22 tuổi (anh ruột) cùng 5 thanh niên khác: Chúng mày xay thóc, nấu cơm làm gì nhiều thế? Tôi thấy anh Khánh cùng nhóm thanh niên nhìn nhau, chẳng ai nói gì. Cụ đẻ cũng không hỏi nữa, trở lại nhà trên đi ngủ. Sau này tôi mới biết: Từ trước năm 1945, ở Thái Nguyên có nhiều hội, nhóm yêu nước được cán bộ của Đảng bí mật xây dựng chuẩn bị cgho ngày cướp chính quyền. Anh Khánh là một trong rất nhiều thanh niên tham gia nhóm Trung Kiên. Nhóm ở xóm Chùa có 6 người, các anh bí mật đến từng nhà vận động bà con chuẩn bị lương thực, thực phẩm ủng hộ kháng chiến - mỗi người 20 cân gạo.

 

“Thời gian như bóng câu qua cửa”, mới đó đã 72 năm, với bao những đổi thay, biến cải nhân gian. Theo các bậc cao niên trong vùng: Chùa Đán xưa đẹp lắm, nhưng thực hiện tiêu thổ kháng chiến, các nhà sư và nhân dân trong vùng đã cùng nhau dỡ bỏ chùa đi theo cách mạng. Vậy nên gần 40 năm dài, chùa Đán chỉ còn nền nhà, cây cỏ tươi tốt, lòng người vời vợi buồn vì nhớ một tiếng kinh cầu. Đến năm 1993, nhân dân trong vùng Thịnh Đán đã cùng nhau đóng góp dựng lại một ngôi chùa tạm ngay trên nền đất cũ, gồm 3 gian nhà cột tre, mái lợp ngói làm nơi sinh hoạt tâm linh.

 

Đại Đức Thích Đạo Quảng, vị sư trụ trì chùa Thịnh Đán cho biết: Năm 2002, các tăng ni, phật tử phường Thịnh Đán và nhiều địa phương khác đã góp tiền, góp công cùng xây dựng lại ngôi chùa. Sau nhiều năm, kiến thiết, xây dựng, đến nay chùa Thịnh Đán đã cơ bản hoàn thành cho tăng ni, phật tử tu tập nghe giảng giáo lý và tu học đạo pháp.

 

Chùa mới được xây dựng khang trang, bề thế. Bắt đầu từ cổng vào đã thấy sự tôn nghiêm, nhưng gần gũi. Nhà Tam Bảo với từng cột đá, mái vút cong cổ kính, quen thuộc. Trước sân có Đức Phật tổ ngồi thiền; liền sân chùa là ngôi nhà sàn mang kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng Việt Bắc dựng lên làm Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Năm 2011, chùa Thịnh Đán được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

 

Ngay trước sân chùa, tiểu ni Phạm Thị Liên cho biết: Tháng 8-1998, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thăm Chùa. Đại tướng trò chuyện với người dân trong vùng thân thiện. Đại tướng nói: “Lúc trước, khi bộ đội ta đến đây, dân làng Đán đã đùm bọc và giữ bí mật rất tốt cho quân cách mạng. Ngày nay dân làng Đán cần phấn đấu gương mẫu, đoàn kết, làm ăn giỏi như mong muốn của Bác Hồ”… Đại tướng đã trồng bên góc trái sân chùa một cây đa làm kỷ niệm. Còn cụ Hữu cho biết thêm: Trong thời gian thăm Chùa, Đại tướng đã gọi chúng tôi, những người cao tuổi trong vùng lại, trò chuyện, căn dặn: Lịch sử chỉ diễn ra một lần, nhưng người viết thì có nhiều, các cụ - những nhân chứng lịch sử, biết đến đâu, nói đến đấy, không thêm, không bớt…

 

Lịch sử không lặp lại, và giống như một dòng sông xuôi về biển lớn. Bên dòng sông cuộc đời ấy là những thế hệ người kế cận, như “sóng dồi” lớp sau theo lớp trước, bồi đắp, hiến dâng trí tuệ, công sức mình làm nên một Thịnh Đán mang vóc dáng đô thị văn minh. Đồng chí Nguyễn Thị Diện, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường cho biết: Năm 2005, phường Thịnh Đán được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt trong thời gian từ năm 2011 đến nay, trên địa bàn phường đã, đang triển khai, thực hiện 17 dự án lớn. Hiện 10 dự án đã thực hiện xong, các dự án còn lại đang tiếp tục triển khai theo tiến độ.

 

Từ một vùng đất cơ bản là thuần nông, Thịnh Đán hôm nay đã trở thành một đô thị khang trang, văn minh, xanh, sạch, đẹp. Bên những ngôi nhà cao tầng, siêu thị, khu dân cư mới, khu vui chơi giải trí hiện đại là những địa danh của thời kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược còn hiện hữu, như: Làng Đán, cây đa Đán, ngã ba Đán, chợ Đán và chùa Đán. Tất cả không bao giờ phai lạt trong lòng người, vì đó là chứng tích lịch sử, là nền tảng truyền thống tự hào làm nên một vóc dáng của Thịnh Đán hôm nay. Một Thịnh Đán ồn ào và lãng mạn. Ồn ào bởi diện mạo phố xá thay đổi từng ngày. Còn lãng mạn bởi mỗi sớm, mỗi chiều từ ngôi chùa Thịnh Đán, tiếng mõ vẫn đều dặn rơi vào hư không, nhắc nhở đất này từng mang nặng những hùng thiêng sông núi. Để khi nghe tiếng chuông chùa, ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường chợt bùi ngùi, nói: Cùng cả nước đi qua các cuộc kháng chiến chống thực dân pháp, chống đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, nhiều người con của Thịnh Đán đã hóa thân vào sông núi. Các anh sống mãi với tuổi hai mươi.

 

Trở lại chùa Thịnh Đán, đứng trước ngôi nhà sàn do tăng ni, phật tử và nhân dân trong vùng dựng lên để tưởng nhớ vị Đại tướng của dân tộc, tôi buột miệng hỏi Đại Đức Thích Đạo Quảng: - Nhà chùa có lưu giữ kỷ vật gì của Đại tướng, của quân đội nhân dân Việt Nam trong những ngày giành chính quyền? Đại Đức suy tư, bảo: - Đại tướng chỉ để lại trong lòng người dân Thịnh Đán ấn tượng đẹp về nhân cách một con người.

 

Tất cả đã đi về miền cổ tích, và không gì vĩ đại hơn là một nhân cách sống mãi trong lòng người. Tôi lặng đi, muốn ôm vào lòng mình một tiếng mõ rơi. Nhưng tiếng mõ ấy lớn lắm, từng vang lên qua bao kiếp con người. Hơn thế, đó còn là tiếng mõ của một ngôi chùa mang hùng thiêng sông núi. Vâng! Chùa Thịnh Đán.