Làm thơ để bồi bổ tâm hồn

14:29, 12/11/2018

Trong đời, có nhiều người khi nhận sổ hưu thì bước vào nghiệp làm thơ, chơi thơ, coi thơ là bạn tri âm, tri kỷ. Ông Trần Chức, 72 tuổi, tổ 23, phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) là một người như vậy. Ông tâm đắc nhắc lại câu nói của nhà thơ Sóng Hồng: “Thơ là thơ, đồng thời là họa, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. Còn tôi: Làm thơ, chơi thơ là để rèn luyện trí nhớ, để bồi bổ tâm hồn và chiệm nghiệm cuộc sống.

Ông đã viết hàng trăm bài thơ, rồi in tặng, làm quà cho bạn bè. Ông không thích “phá cách” trong thơ, mà hồn hậu sáng tác thơ tự do, thơ lục bát và thơ Đường luật. Nhưng dù sáng tác ở thể thơ nào, ông cũng tuân thủ nghiêm nghặt cách gieo vần, thả chữ. Ông bảo: Thế mới là thơ. Mà tôi cũng có thể nói chuyện được bằng thơ. Vì từ hồi nhỏ tôi đã biết làm thơ cất cặp sách. Hiện, tôi là thành viên Ban Biên tập Câu lạc bộ Thơ phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên); là hội viên các câu lạc bộ thơ: Lục bát; Tháng Năm; thơ Đường của tỉnh.

Ông sinh ra ở vùng đất Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1964, học hết cấp II, đầy tuổi 18, ông lên Thái Nguyên làm công nhân Gang thép. Vốn ham học, có chí tiến thủ, nên trong thời gian làm công nhân Gang thép, ông sắp xếp thời gian lao động phù hợp, được cơ quan tạo điều kiện để ông ngày đi làm, tối đi học bổ túc văn hoá. Học hết cấp III, ông được đơn vị cử đi học trung cấp Quản lý kinh tế, rồi học hoàn thiện đại học Công đoàn, hệ tại chức. Năm 1986, ông được tổ chức điều động lên UBND tỉnh làm cán bộ văn phòng. 2 năm sau, ông được điều động sang làm cán bộ thanh tra tỉnh cho đến ngày nhận sổ hưu (2006).

Công việc khô khan, cứng nhắc không làm cuộc đời ông buồn tẻ. Ông lặng lẽ tìm vui bằng việc làm thơ. Đành là thơ của riêng mình, nhưng ông cảm nhận vần thơ, mạch thơ ấm áp như ánh nắng ban mai, mát tựa dòng nước đầu nguồn. Hơn thế, thơ làm ông có tâm hồn trong trẻo, không bị vương bẩn vì “ái, ố, hỉ, nộ” hay những bon chen kỵ hiềm của dòng đời. Bạn bè bảo ông: Cán bộ thanh tra mà giữ được chữ LIÊM, CHÍNH thì lòng thanh thản lắm. Ông mỉm cười bảo: Nếu không giữ được chữ LIÊM, CHÍNH, thì vợ con mang cơm cho mình ở Trại giam Phú Sơn 4 từ lâu rồi.

Sống ở đời, có lẽ chẳng gì thanh thản hơn bằng việc làm được người liêm chính. Mà sống liêm chính, thì chất thơ cũng liêm chính, bởi thế gần 400 bài thơ ông sáng tác kể từ ngày cầm sổ hưu đến nay, tôi đọc, và thấy thơ ông tập trung vào các chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng đất nước đổi mới và khuyên răn mọi người nên sống giữ đạo nhà và đạo làm người. Đọc thơ ông, tôi nhận ra sự tươi mới, luôn hòa vào dòng chảy chung của đất nước. Ví như các bài: “Mừng Đảng, mừng Xuân”; “Tổ quốc độc lập”; “Tự hào phụ nữ Việt Nam”; “Làm theo lời Bác”; “Bảo vệ đảo nhà”; “Ngày hội đoàn kết toàn dân”… đó là những sáng tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời để hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước.

Thơ ông bình dị, dễ đọc, lời ý dân dã, phù hợp với đại chúng. Nhiều bạn thơ chia sẻ: Tác giả Trần Chức lặng lẽ đi vào lòng người bằng thơ. Giản đơn như các bài viết có nội dung khuyên răn về đạo đức, lẽ sống: “Người già suy ngẫm đôi điều/ Quên đi bệnh tât, quên điều trái ngang”, (bài Suy ngẫm người cao tuổi); “Ma túy, xì ke cần phải tránh/Cờ bạc, số đề chớ có chơi/ Rượu nhiều, thuốc lá đều độc hại/Tốn tiền vô ích chớ có xơi…” (bài  Khuyên con cháu). Lại nữa: “Đồ ăn không sạch ta cần tránh/Buôn bán lương tâm chớ hại người” ( bài Chớ hại người). Chất thơ bình dị, dễ đọc, dễ nhớ, ít nhiều giúp các bạn trẻ tỉnh táo hơn khi đứng trước các vấn nạn xã hội.

Thơ ông không chỉ để động viên người cao tuổi sống gương mẫu; hoặc dừng lại ở việc khuyên dạy con cháu, mà còn khơi dậy lương tâm trong mỗi con người, không nên vì lợi mình mà hại người. Hiện ông đã xuất bản riêng 3 tập thơ, lấy tựa “Tình quê 1”; “Tình quê 2”; “Tình quê 3”. Ngoài 3 tập thơ này, ông còn có thơ đăng chung trong 13 tập thơ “Hương sắc vườn nhà” của Câu lạc bộ Thơ phường Quang Trung. Ông chia sẻ: Thơ là đời tôi. Và tôi sẽ tiếp tục dâng hiến thơ cho cuộc đời.