Tốt nghiệp Khoa Y học cổ truyền, Trường Trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác (Hà Nội), cô gái trẻ Bùi Thị Ngân, sinh năm 1995, ở xóm Bún 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) đã trở về quê hương thực hiện ý tưởng xây dựng mô hình sản xuất cây dược liệu cà gai leo. Mô hình này đã mở ra hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao không chỉ cho gia đình Ngân mà còn cho nhiều hộ dân trong vùng.
Không giống với nhiều người, sau khi tốt nghiệp mà không tìm được công việc đúng chuyên môn thì vội vàng chuyển hướng, Ngân vẫn đau đáu với mô hình sản xuất cây dược liệu dựa trên kiến thức đã được học. Ngân cho biết: “Sở dĩ em chọn cây cà gai leo vì trong quá trình học, em được biết đây là thảo dược quý, có tác dụng tốt trong việc điều trị các bệnh về gan và nhu cầu sử dụng các sản phẩm liên quan đến giống cây này ngày càng nhiều”.
Sau 6 tháng kể từ khi ra trường, đầu năm 2017, Ngân bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình. Thuyết phục bố mẹ, Ngân vay 12 triệu đồng để đầu tư trồng cây cà gai leo trên 5 sào đất của gia đình. Tuy nhiên, lứa đầu tiên đã không cho tín hiệu khả quan, nhiều cây bị chết do sâu bệnh, kỹ thuật trồng và chăm sóc hạn chế... Ngân nhận ra chỉ có kiến thức về dược thôi thì chưa đủ. Không nản lòng, cô gái trẻ tích cực tìm hiểu, đi đến nhiều nơi để tham quan học hỏi các mô hình, nắm bắt quy trình trồng và chăm sóc loại cây này.
Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, chỉ trong 6 tháng, những cành cà gai leo đã vươn dài, tua tủa phủ kín mặt đất, hoa và quả bắt đầu xuất hiện. Đồng thời trong quá trình trồng, Ngân cũng tìm hiểu, liên hệ với một số doanh nghiệp để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Sau vụ đầu tiên trồng thử nghiệm thành công, 5 sào cà gai leo của gia đình đã thu được gần 100 triệu đồng. Một doanh nghiệp tại Hà Nội đã đồng ý bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Không những thế, đơn vị này còn đến tận nơi khảo sát khí hậu, thổ nhưỡng và đề nghị Ngân sản xuất, cung ứng với số lượng lớn. Thấy được đây là cơ hội tốt, Ngân đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Kinh doanh dược liệu Phú Lương (gồm 7 thành viên) do mình làm Giám đốc để tạo vùng sản xuất cà gai leo với quy mô lớn. Nhằm đảm bảo sản lượng hàng đã ký kết, Ngân phải thuê thêm ruộng của người dân để trồng dược liệu. Ngoài ra, HTX cũng tổ chức liên kết sản xuất với các hộ dân trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích trồng cà gai leo của HTX đã nâng lên 2,5ha.
Về hiệu quả của việc trồng cà gai leo, hiện với năng suất đạt 1 tạ (loại khô)/sào/lứa, mỗi năm cây cho thu hoạch 3 lứa, mức giá bán 40 - 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, một sào cho thu lãi gần 20 triệu đồng/năm. Những năm tiếp theo, người trồng cà gai leo không phải đầu tư tiền mua giống bởi cây cho thu hoạch liên tục từ 4-5 năm mới phải thay giống.
Bà Lê Thị Dịu, xóm Bún 1, xã Phấn Mễ (Phú Lương) chia sẻ: “Gia đình tôi có 7 sào đất, trước đây cấy lúa một vụ, mỗi năm chỉ cho năng suất khoảng 1,5 tạ thóc, trừ chi phí đi chỉ được vài trăm nghìn đồng/1 sào. Được cháu Ngân vận động, tận tình hướng dẫn cách trồng và chăm sóc, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sang trồng cà gai leo cho HTX, mỗi năm thu được hơn 100 triệu đồng”.
Ngoài việc trồng, cung ứng cà gai leo cho doanh nghiệp, HTX còn đầu tư máy móc, trang thiết bị để sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm từ cà gai leo, như: Trà túi lọc kết hợp cà gai leo khô và xạ đen, cao cà gai leo, túi lọc cà gai… Theo Ngân, thời gian tới, HTX sẽ mở rộng quy mô sản xuất các loại cây dược liệu khác. Dự kiến, HTX sẽ mở rộng diện tích trồng lên 10ha trong năm 2019.