Mùa Đông năm 1972, tại các trạm trung chuyển lương thực, Ty Lương thực Bắc Thái ở khu vực ga Lưu Xá, T.P Thái Nguyên, có 8 kho chứa lương thực do 8 thủ kho “trấn giữ”. Đây là địa điểm trung chuyển lương thực cho chiến trường miềm Nam nên là trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Trong tâm trí của ông Vi Văn Chò, Phó Giám đốc Ty Lương thực Bắc Thái khi ấy vẫn luôn văng vẳng câu nói vui của anh em kho lương thực “canh kho ở đây không khác gì ra cửa tử”.
Tiếp chúng trong ccăn nhà nằm tại tổ 22, phường Gia Sang, T.P Thái Nguyên, nhắc lại chuyện năm xưa, đôi mắt đục màu thời gian của ông Chò rưng rưng xúc động. Ông kể: Kho lương của chúng tôi khi ấy có 8 người, 6 người trong số đó là bộ đội chuyển ngành. Họ có nhiệm vụ kiểm kê hàng, theo dõi, vào sổ sách khối lượng hàng luân chuyển. Trong những lần chúng tôi xuống kiểm tra và động viên anh em, mọi người vẫn thường nói đùa với nhau ra canh kho ở đây là ra cửa tử. Ai ngờ câu nói vui đó lại trở thành sựt thật.
Ngày 24/12/1972, hai thủ kho là anh Lê Quang Hòa và Đỗ Xuân Sinh nhận nhiệm vụ bốc xếp hàng hóa cùng lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Ông Chò cho biết, mỗi lần thực hiện nhiệm vụ như thế, nhân viên lương thực đều nhắc nhau vì người của mình ít nên phải thực hiện theo hiệu lệnh của các đơn vị đông người.
Nhấp ngụm nước, ông trải lòng: Ngày 18-12, tôi có đi họp ở Hà Nội, đến đoạn qua Phủ Lỗ, còn nhìn thấy giặc phơi xác tại đó. Ngày hôm sau trở về, anh em trong Ban lãnh đạo chúng tôi đã họp và nhận định, Mỹ sẽ đánh phá vào Thái Nguyên trong một ngày rất gần, nhưng cũng không thể tưởng tượng nó lại tang thương đến thế. Ban lãnh đạo Ty lúc đó có 4 người, 2 phó giám đốc là anh Nguyễn Văn Danh và Lục Văn Khang lúc này nhận nhiệm vụ ở trên Sơn Cẩm, dưới trụ sở chỉ còn tôi và anh Nguyễn Quang Thậm, Giám đốc. Hôm 24, anh Thậm làm nhiệm vụ thường trực và điều hành công việc tại chỗ, còn tôi vẫn như thường lệ đi xuống kiểm tra công việc và tình hình tại các kho. Trước khi Mỹ ném bom, tôi và Trạm trưởng Trạm trung chuyển Nguyễn Văn Bình còn đi bộ một vòng xuống mãi dưới Gang Thép xem xét tình hình. Lúc Mỹ dội bom, anh em chúng tôi không thể ngồi yên được dù một phút, cứ đi ra lại đi vào, vừa lo giữ liên lạc với Ban chỉ đạo của tỉnh, vừa lo cho anh em dưới kho và những người khác, chỉ giận mình không thể chạy ngay xuống đó.
Kể đến đây ông ngưng lại, đôi tay đã chậm chạp dờ dờ vào cuốn sổ có tên 8 thủ kho năm đó như để kìm nén sự xúc động. Giây lát sau ông tiếp lời: Sáng sớm chúng tôi xuống hiện trường, quần áo, da thịt của anh chị em còn vương cả trên cành cây. Đặc điểm để nhận ra anh em kho lương khi đó là khác với TNXP, anh em mặc quần áo dân sự. Xót xa lắm, anh Đỗ Xuân Sinh chỉ còn nửa người bên dưới; anh Lê Quang Hòa thì chỉ còn lại phần đầu, vai và tay. Ám ảnh lắm, anh em mới hôm trước còn chuyện trò, qua một đêm đến thân thể cũng không còn nguyên vẹn. Nghe giọng ông lúc này đã không còn rõ nữa, tôi vội rót đưa ông chén nước ấm. Câu chuyện giữa chúng tôi nhiều lần bị ngưng giữa chừng như vậy.
Đối với 2 thủ kho hy sinh trong đêm Noel năm 1972, ông Chò vẫn nhớ rõ hoàn cảnh của từng người: Anh Sinh quê ở Vạn Thọ (Đại Từ) khi mất vợ đang mang bầu; Anh Hòa là người ở Tân Phú (Phổ Yên), khi đó đã có 2 con. Cả 2 anh đều là bộ đội chuyển ngành. Khi biết trước Mỹ sẽ ném bom vào ga Lưu Xá, tôi thường xuyên xuống động viên tinh thần anh em, 2 anh ấy vẫn nói với tôi là cứ yên tâm vì các anh ấy đã từng là người lính, ra chiến trường các anh ấy còn không sợ thì dù có là “cửa tử” ở đây cũng xá gì. Ai ai cũng lạc quan và hừng hừng khí thế. Lúc đó bình quân mỗi ngày tại khu vực tập kết hàng phải có ít nhất là 5 nghìn tấn hàng hóa. Trong kho chứa khoảng 2 nghìn tấn, còn lại là bốc dỡ lên xuống ngay tại sân ga. Nhà tôi có 8 chị em, trong đó có 7 anh em trai thì một người là liệt sĩ, 2 người là thương binh và một người là bệnh binh.
Nghe đến đây, tôi cứ ngỡ câu chuyện của ông đã bị chuyển sang hướng khác nhưng không phải. Ông nói tiếp: Nhìn các anh, em của mình rồi lại chứng kiến các đồng chí công tác cùng đơn vị như anh Hòa, anh Sinh, tôi nghĩ rằng trong cuộc chiến bảo vệ tổ quốc của dân tộc mình thì dù là góp sức ở tuyến đầu hay tuyến sau cũng đều nguy hiểm, đáng trân trọng và cần tri ân cả. Ngay cả việc hôm nay, các anh, chị tìm tới chúng tôi, lắng nghe những người “cổ lỗ” chia sẻ, giãi bày đã cho thấy tấm lòng của các anh, chị đối với những người đi trước đáng quý nhường nào. Tôi và chắc hẳn các anh em của chúng tôi biết cũng sẽ vui mừng lắm…