Biến rác thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi và phân bón

10:42, 05/03/2019

Nhận thấy rác thải hữu cơ là nguồn tài nguyên quý giá đang bị lãng phí, nhóm sinh viên Khoa Quốc tế (Đại học Thái Nguyên) đã tìm ra phương pháp sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để biến chất thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi và phân bón giàu chất dinh dưỡng.

Sắp nhận tấm bằng cử nhân, Phạm Thị Hải Yến chia sẻ: “Trong thời gian chúng em đi phỏng vấn tìm việc làm, các nhà tuyển dụng chỉ quan tâm: Bạn đến đây sẽ làm được gì cho chúng tôi? May mắn cho chúng em, khi đề tài nghiên cứu khoa học “Xử lý rác thải hữu cơ thành thức ăn chăn nuôi và phân bón” vừa được nghiệm thu, các chuyên gia tuyển dụng xem và nghe thuyết trình tóm tắt (đề tài bằng tiếng Anh). Thế là chúng em nhận được cái gật đầu từ nhà tuyển dụng”.

Nhóm sinh viên thuộc chuyên ngành Quản lý môi trường và bền vững, Kinh doanh Quốc tế của Khoa Quốc tế  (Đại học Thái Nguyên) đã bắt tay nhau cùng thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng này từ giữa năm 2017, đến cuối năm 2018 đã cho kết quả. Nhóm sinh viên trẻ đã chọn đề tài mà cuộc sống đặt ra hằng ngày, rồi lấy kiến thức khoa học để xử lý. Tháng 12-2018 chuẩn bị khép lại, khi những trang luận văn tốt nghiệp sắp hoàn chỉnh, thì cũng là lúc tin vui đến với cả nhóm: Đề tài khoa học lọt Top 5 cuộc thi “Thanh niên Việt Nam vì sáng tạo xã hội - VYSI Challenge 2018”. Đây là cuộc thi được tổ chức bởi Hội đồng Anh - Việt Nam, Đại học Northampton và các trường đại học trên toàn quốc.

Sinh viên Phạm Thị Hải Yến, Trưởng nhóm cho biết: “Hiện nay, rác thải hữu cơ chủ yếu bị chôn lấp hoặc tiêu hủy, đặc biệt tại các thành phố lớn. Trong quá trình học, chúng tôi được biết ấu trùng ruồi lính đen (Hermetia illucens) có thể phân hủy được 90% thể tích rác thải hữu cơ. Vì vậy, chúng tôi cùng nhau nghiên cứu và triển khai đề tài, dùng ấu trùng ruồi lính đen để phân hủy rác hữu cơ và nuôi lớn chúng làm thức ăn chăn nuôi cho gia cầm, thủy sản”. Mỗi thành viên một nhiệm vụ theo sở trường: Hải Yến chịu trách nhiệm lập kế hoạch, định hướng; Lê Hồng Hạnh phụ trách nghiên cứu các chỉ tiêu sinh hóa và phát triển sản phẩm; Bùi Xuân Trường phụ trách dây chuyền sản xuất; Triệu Thị Hằng phụ trách khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Lương Thị Ngọc Chi phụ trách khâu tài chính. 

Theo nhóm nghiên cứu, 1 quả chuối bình thường mất đến 1.800 giờ để phân hủy hoàn toàn, trong khi với ấu trùng ruồi lính đen, thì chỉ cần chưa đầy 2 giờ. Nếu ấu trùng này được thả vào rác hữu cơ, chỉ trong 2 tuần sẽ phát triển thành nhộng và sẽ được thu gom làm thức ăn chăn nuôi giàu giá trị dinh dưỡng. Đồng thời, lượng phân thải ra sau quá trình "tiêu thụ" rác hữu cơ của ấu trùng được dùng làm phân bón sạch, vì có nguồn gốc tự nhiên. Sản phẩm nhộng tươi sống hoặc được sấy khô là món ăn yêu thích của các loại gia súc, gia cầm, do có hàm lượng dinh dưỡng cao. Theo tính toán của nhóm thì 1 tấn rác hữu cơ có thể mang lại 16 triệu đồng sau khi được xử lý theo phương pháp dùng ấu trùng ruồi lính đen. Bởi vậy, đề tài có thể trở thành một dự án kinh tế, kỹ thuật cho bất cứ khu dân cư nào, bởi rác thải không còn là thứ bỏ đi, mà rất hữu ích cho chính cuộc sống con người và môi trường.

Theo nghiên cứu, thống kê của nhóm, trên địa bàn tỉnh mỗi ngày thải ra hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó hơn một nửa là rác hữu cơ… Nếu xử lý tại nguồn tốt có thể thu về được 3 đến 4 tỷ đồng qua sử dụng loài ruồi lính đen. Nhóm sinh viên đã tham gia vào hoạt động tình nguyện vì môi trường, huy động người dân tại phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) thu gom rác thải hữu cơ và dùng ấu trùng ruồi lính đen để xử lý thành phân bón. Kết quả, cây trồng và vật nuôi của các hộ gia đình sau khi sử dụng sản phẩm từ dự án đều tăng trưởng rất tốt. Đất tơi xốp, năng suất cây ăn quả đều tăng từ 5-7% so với các năm trước. Nhộng ruồi lính đen được thử nghiệm tại khu chăn nuôi gà của hộ gia đình ông Đỗ Văn Đức, xóm Tam Thái, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) và đem lại kết quả tích cực.

Ông Trịnh Xuân Luyện, Chủ tịch phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) phấn khởi: “Năm nào sinh viên Đại học Thái Nguyên cũng tham gia các hoạt động tình nguyện tại địa phương, nhưng ấn tượng nhất chính là nhóm sinh viên với đề tài xử lý rác thải của Khoa Quốc tế bởi các em đã biết vận dụng kiến thức khoa học vào thực tiễn, đem lại hiệu quả thiết thực.

Trao đổi với chúng tôi, em Bùi Xuân Trường không giấu nổi niềm vui, khi cả nhóm đã nhận được 4 hợp đồng hợp tác thực hiện dự án xử lý rác thải khu dân cư của các doanh nghiệp ở T.P Đà Nẵng, T.P Hồ Chí Minh, T.P Cần Thơ. Trường khẳng định: “Chúng tôi sẽ biến rác thải thành những thứ có giá trị, không chỉ đem lại lợi ích kinh tế mà còn giải quyết cả vấn đề môi trường như: Xử lý rác hữu cơ, hạn chế được diện tích bãi chôn lấp, hạn chế ô nhiễm môi trường. Sản phẩm tạo ra đảm bảo an toàn và thân thiện với môi trường”.

Còn Triệu Thị Hằng thì chia sẻ: “Thành công của dự án cũng đã mang lại lợi ích cho người dân và thay đổi thói quen “đối xử” với rác. Khi dự án được đầu tư và phát triển rộng khắp thì người dân sẽ là đối tác trong việc sản xuất sản phẩm này. Chúng tôi sẽ tận dụng nguồn nhân lực là những người dân trên địa bàn để thu gom rác thải hữu cơ và sẽ sản xuất lớn, cung cấp thức ăn chăn nuôi và phân bón cho các trang trại. Điều này sẽ giúp người dân tăng thu nhập và làm thay đổi nhận thức, thói quen phân loại rác của họ”.