Trong phát triển du lịch, tỉnh ta có lợi thế về vị trí địa lý, nguồn tài nguyên du lịch và con người thân thiện. Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng thì trong thời gian tới, tỉnh nên ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu của du khách, đồng thời có giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của tài nguyên du lịch trên địa bàn. Đặc biệt quan trọng là việc đầu tư xây dựng hệ thống du lịch thông minh, hướng đến sự hài lòng của du khách khi sử dụng các dịch vụ.
Từ thực tế cho thấy trong những năm gần đây, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có liên quan trực tiếp đến phát triển du lịch, như: Tuyến đường Đán - Khu du lịch hồ Núi Cốc; cơ sở hạ tầng ở ATK Định Hóa; một số tuyến đường vào điểm du lịch ở xã Cúc Đường (Võ Nhai), khu du lịch hồ Nà Mạc, xã Ôn Lương (Phú Lương)… Nhờ có hệ thống giao thông thuận lợi, từ Thái Nguyên du khách có thể đến các tỉnh vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Cùng với đó, các lĩnh vực dịch vụ xã hội như viễn thông, dịch vụ vận tải công cộng, hệ thống điện, cấp nước... được quan tâm đầu tư, đáp ứng kịp thời cho ngành du lịch phát triển.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: Từ tháng 8-2018, Sở đã ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai việc xây dựng hệ thống "Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên" với Viễn thông tỉnh. Thông qua hệ thống du lịch thông minh sẽ trực tiếp đẩy mạnh việc khai thác, phát triển tiềm năng du lịch trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ các cơ quan quản lý và doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch qua mạng Internet. Điểm đáng lưu tâm là với giải pháp du lịch thông minh của Viễn thông Thái Nguyên, các doanh nghiệp và đơn vị quản lý sẽ thuận lợi hơn khi cập nhật những thông tin cần thiết, đồng thời giúp du khách truy cập, tìm kiếm thông tin về du lịch địa phương một cách dễ dàng, thuận tiện theo các nội dung như lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, nơi lưu trú, giá phòng khách sạn, nhà hàng, địa điểm mua sắm, địa điểm du lịch… Tại những điểm du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước được tích hợp với bản đồ số, giúp du khách dễ dàng tìm đến địa điểm mình cần.
Du lịch thông minh là một thành phần không thể thiếu trong đô thị thông minh. Với giải pháp du lịch thông minh này, du khách dễ dàng tương tác trên các loại smartphone. Thuận lợi, tiết kiệm được thời gian và chi phí không cần thiết cho du khách và nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý Nhà nước. Trên thực tế thì du lịch thông minh đã “manh nha” hình thành từ hơn 10 năm trở lại đây. Điều đó thể hiện qua việc các cá nhân, tổ chức làm du lịch, dịch vụ; cơ quan quản lý Nhà nước và du khách đã sử dụng công nghệ thông tin để thực hiện khai thác dữ liệu liên quan. Ví như việc đặt vé máy bay, vé tàu, vé xe ô tô, đặt buồng phòng, tuor du lịch hoặc cần sử dụng một dịch vụ nào đó, du khách có thể gọi điện thoại, hoặc gửi thư điện tử, chuyển khoản là các bên thỏa thuận xong 1 hợp đồng kinh tế.
Các doanh nhân làm du lịch và du khách đều đã quen thuộc với các giao dịch liên quan đến hoạt động du lịch thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Ông Bùi Huy Toàn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Trong năm 2018, đơn vị đón tiếp gần 14.500 lượt khách tham quan, trong đó có 548 lượt du khách nước ngoài. Khoảng gần 1/3 số đoàn đến các điểm tham quan đã có liên hệ trước với đơn vị qua điện thoại hoặc mạng Internet. Còn ông Nguyễn Văn Nương, Phó Trưởng Ban điều hành Khu di tích Lịch sử - Sinh thái ATK Định Hóa cho biết: Năm 2018, các điểm di tích do đơn vị quản lý đón hơn 3.374 đoàn tham quan, với gần 430.000 lượt du khách…
Theo định hướng phát triển du lịch của tỉnh: Đến năm 2020 ngành du lịch phấn đấu đạt tổng lượng khách 3,6 triệu lượt, trong đó có 150.000 lượt khách quốc tế; 1,8 triệu lượt khách có lưu trú; số phòng của các cơ sở lưu trú tăng 1.000 phòng, trong đó khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao tăng 400 phòng. Lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch đạt 3.500 người. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 460 tỷ đồng. Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết: Để nâng cao chất lượng phục vụ du khách, các đơn vị thành viên của Hiệp hội tích cực đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng các dịch vụ. Từ nhiều năm gần đây, các đơn vị thành viên đều chủ động xây dựng được trang thông tin quảng bá, giới thiệu khả năng, năng lực của mình. Mọi thông tin về giá cả dịch vụ, thông tin về sản phẩm du lịch đều được đơn vị quy nạp lên trang điện tử. Qua đó du khách có thể tìm hiểu và quyết định sử dụng dịch vụ qua điện thoại hoặc mạng Internet. Cũng thông qua trang điện tử này, các thành viên của Hiệp hội chủ động giao lưu, liên kết với các thành viên trong Hiệp hội để chia sẻ kinh nghiệm, hoặc liên kết phục vụ du khách, bảo đảm quyền lợi cho du khách khi sử dụng các dịch vụ du lịch.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết thêm: Hiện Đề án Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2018-2021 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Viễn thông Thái Nguyên xây dựng đang tiếp tục được triển khai. Khi Đề án này được thực hiện, chắc chắn sẽ mở ra cho ngành du lịch Thái Nguyên nhiều cơ hội phát triển thuận lợi hơn. Bởi trong giai đoạn hiện nay, việc đẩy mạnh triển khai các nội dung du lịch thông minh là giải pháp mang lại hiệu quả nhất, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đưa du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế quan trọng. Việc áp dụng giải pháp du lịch thông minh, sẽ là một trong những công cụ hữu hiệu để ngành du lịch của tỉnh phát triển đột phá, cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ, tạo ra nhiều dịch vụ có giá trị gia tăng cao, mang đến nhiều trải nghiệm lý thú cho du khách.