Chuyện về người Dũng sĩ diệt Mỹ

07:39, 29/04/2019

Chuyện xảy ra đã lâu lắm, 53 năm rồi, nhưng lần nào bạn bè đồng ngũ gặp nhau cũng tự hào mình là những người từ cõi chết trở về… Cụ Nguyễn Văn Lệ, xóm Soi Mít, xã Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về một trận đánh ác liệt nhất mà cụ trực tiếp tham gia.

Nhấp ngụm trà như để hồi tưởng lại chính xác sự việc, cụ tiếp tục câu chuyện: Phải rồi, đó là một trận đánh trực diện giữa đơn vị với Mỹ, Ngụy tại ngã ba Đông Dương năm 1966. Bộ đội chúng tôi phải đối diện với quân chủ lực địch có hỏa lực mạnh. Tất cả chúng tôi phải ép người xuống mặt đất, bởi sau từng đợt hỏa pháo địch giội vào trận địa, thì máy bay trực thăng trang bị súng đại liên bay rà mặt đất, đạn bắn như vãi chấu.

Tiếp đến là xe tăng và bộ binh ùn lên từng đám. Tổ của tôi có 5 người, gồm 2 chiến sĩ mang súng AK, 2 nhà báo và tôi mang khẩu B40. Ngay từ lúc triển khai đội hình chiến đấu, 2 chiến sĩ mang AK đã bị trúng đạn pháo hy sinh. Tôi cùng 2 đồng chí nhà báo trườn được đến một ụ mối ngoài bìa rừng thì ém lại, lợi dụng địa hình quan sát và tránh đạn bắn thẳng của địch. Đạn đủ các kích cỡ cày nát mặt đất, 1 đồng chí nhà báo hy sinh tại chỗ, đồng chí nhà báo còn lại bị đạn bắn gãy cẳng chân.

Tôi vội kéo anh ấy xuống một hố đạn pháo để băng bó sơ cứu. Chợt tiếng động cơ xe tăng gầm rít ở rất gần, tôi ngoi lên mặt đất đã thấy ngay phía trước, cách vị trí chúng tôi trú ẩn 20 mét. Tôi ôm khẩu B40 lăn mấy vòng ra ngoài hố bom để chọn vị trí bắn. Rầm… Chiếc xe tăng Mỹ đứng khựng lại, lửa cháy đỏ rực. Một chiếc xe tăng khác hồng hộc như con thú ác lao lên, tôi vội miết cò, quả đạn B40 thứ hai lao sượt qua nóc xe.

Trận địa đầy đạn pháo, “con thú” thay đổi hướng di chuyển, tôi nạp đạn, bắn tiếp quả thứ ba, rất tiếc là “nó” đã chạy khá xa nên bắn không hiệu quả. Tôi thầm nhủ: Đánh được một xe tăng Mỹ, thế là đã có lãi. Trận đó bộ đội ta bị tổn thất nhiều, Đại đội tôi bị hy sinh hơn nửa quân số. Nặng nhất là bên 12 ly 7, đơn vị tổ chức trận địa đánh trả máy bay tầm thấp được chốt ở trong rừng, nhưng bị địch phát hiện mục tiêu, chúng dùng pháo tầm xa giội đến, trận địa tan nát, đơn vị bị xóa sổ… Sau trận đánh, tôi được cấp trên phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ.

Có mặt ở đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã tâm đắc: Cụ Lệ là Dũng sĩ diệt Mỹ, đồng thời là thương binh. Cụ sống mẫu mực nên được người dân trong vùng quý mến. Còn bà Lê Thị Thu tự hào: Năm 1962 tôi về làm vợ ông ấy. Đến tháng 5-1965, ông nhập ngũ, đi một mạch vào mặt trận phía Nam. Tôi ở nhà nuôi con, vò võ chờ đợi hơn 3.800 ngày thì ông ấy về…

Cụ Lệ thanh minh: Từ ngày chia tay bà, tôi được tham gia đợt huấn luyện quân sự ở huyện Phú Bình 3 tháng. Rồi cùng anh em trong đơn vị lên tàu về đến ga Hàng Cỏ (Hà Nội), lại chuyển sang đi ô tô đến Đò Lèn (Thanh Hoá) và bắt đầu hành quân bằng đôi chân. Trên đường mòn Nam tiến, chúng tôi vừa hành quân, vừa  tổ chức đánh biệt kích và giáp chiến với địch ở Khe Sanh (Quảng Trị). Nên khi tập kết ở tỉnh Bình Long thì quân số của đơn vị bị hao đi khá nhiều.

Thời quân ngũ, cụ trực tiếp tham gia bao nhiêu trận đánh? Tôi buột miệng hỏi làm câu chuyện cắt ngang. Giây lát suy tư, cụ bảo: Nhiều lắm, lớn nhỏ phải gần bảy chục trận. Có trận mình chủ động đánh địch, cũng có trận địch đi càn, mình tổ chức đánh lại… Chúng tôi đánh địch ở Bình Long, rồi hành quân đến ngã ba Đông Dương tiếp tục đánh địch.

Cũng tại vùng đất “1 con gà gáy người 3 quốc gia cùng nghe”, tôi được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Và tôi bị thương cũng ở vùng đất này. Hôm đó chúng tôi đi tìm đồng đội bị “dính đạn” địch ở trận đánh hôm trước. Không may là gặp bên địch cũng đang đi “nhặt xác” nhau, vậy là nổ súng. Tôi bị dính 1 viên đạn vào phía dưới xương quai xanh. Đồng chí đi cùng kéo tôi xuống chiếc hầm kèo gần đó, thì rầm rầm… pháo địch giội vào trận địa tới tấp, hầm xập, cho đến ngày hôm sau đơn vị mới bới được chúng tôi lên.

Sau 1 tháng điều trị tại quân y viện, người Dũng sĩ diệt Mỹ được trên bố trí vào học lớp quân y 12 tháng. Rồi trở lại làm y tá tiểu đoàn. Vì là đơn vị chiến đấu, nên anh thường theo các mũi trinh sát luồn sâu vào các vùng địch và trực tiếp tham gia các trận đánh. Đến cuối mùa khô năm 1967, anh được điều động về trạm phẫu quân y ở Tây Ninh, làm nhiệm vụ cứu chữa thương binh cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Nhưng vì nhiệm vụ, đến tháng 2-1976, anh mới được đơn vị cho nghỉ phép về thăm nhà.

Bấm đốt tay cụ Lệ bảo: Đúng 10 năm 9 tháng vợ chồng mới gặp lại nhau. Thương vợ cực khổ, từng ấy năm vò võ nuôi con, đợi chồng, nên khi trở lại đơn vị trả phép, tôi báo cáo với chỉ huy: Chiến tranh đã kết thúc, đất nước thống nhất rồi, các thủ trưởng cho tôi về quê cùng vợ nuôi con.

Mới đó đã mấy mươi năm đi qua đời người, anh Lệ của ngày xưa nay thành cụ Lệ. Nhưng cái chất lính và ký ức của thời trận mạc trong ông chưa bao giờ cũ. Ông nắm tay tôi rất chặt, bảo: Trong chiến đấu hay ở cuộc sống đời thường, niềm tin vào đồng chí, đồng đội là sức mạnh chiến thắng. Còn ông Vũ Văn Sơn, Chi hội trưởng Cựu chiến binh xóm Soi Mít cho biết: Về đời thường, cụ Lệ luôn phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, tích cực tham gia các phong trào thi đua tại địa phương. Cụ sống mẫu mực, tích cực vận động con cháu, dòng họ và bà con chòm xóm tham gia các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá; xây dựng nông thôn mới.