Khu Di tích Lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái (Khu Di tích) “ngự” tại phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên). Từ lâu, Khu Di tích đã trở thành địa chỉ đỏ bởi một sự kiện oanh liệt, bi tráng của những TNXP 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Các anh, chị đã góp máu, xương cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi trên bàn đàm phán Pari năm 1973; tạo đà cho đại thắng mùa xuân năm 1975, đất nước thống nhất.
Du khách tham quan gian trưng bày các hiện vật của Đại đội TNXP 915.
Mới đó đã 47 năm ngày các anh, chị ngã xuống (1972-2019), chỉ khói hương thoảng thơm mỗi sớm, cùng ngàn gió thầm thì kể chuyện về cái đêm định mệnh đau đớn mà hiển vinh. Tất cả các anh, chị đều còn rất trẻ, đa phần mười tám, đôi mươi, có người mới 16 tuổi. Nhìn làn khói hương mỏng như tơ, nhưng có gì đó chất chứa một sức nặng vô hình, đè lên xúc cảm, khiến bao người ứa nước mắt. Dù không phải trên chiến tuyến đầu, nhưng cam go, khốc liệt, đầy mất mát, hy sinh.
Để hôm nay, trên một vùng đất của thành phố thép Thái Nguyên, tiếng chuông, tiếng khánh đều đặn rung lên một âm hưởng linh thiêng, giội về quá khứ. Vẫn còn đây, ngay bên Nhà tưởng niệm, một đoàn tàu mang dòng chữ: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Gần gụi, mà vời vợi xa cách, bởi cái ngày các anh, chị “Sống bám cầu đường, chết kiên cường bất khuất” đã đi vào sử xanh, tạc vào lòng người các thế hệ mai sau. Một thế hệ mang đầy khí phách cách mạng, nên đạn bom không vùi dập được lòng quả cảm của những người con Anh hùng. Bên từng cột đá thiêng khắc họa lại cuộc sống lao động, học tập, chiến đấu và anh dũng hy sinh của các anh, chị, bất chợt tôi nhớ đến câu nói của Pavel, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”. Các anh chị trong Đại đội TNXP 915 đã từng kể cho nhau về lý tưởng sống của một người cộng sản. Và các anh, chị đã nói với nhau: Không ai muốn phải hy sinh, nhưng Tổ quốc cần thì xin nguyện hiến dâng tất cả.
Tháng 6-1972, Đại đội TNXP 915 được thành lập, đóng quân tại xã Linh Sơn. Đại đội có nhiệm vụ bảo đảm giao thông vận tải thông suốt; tiếp nhận, trung chuyển quân lương phục vụ chiến đấu. Đó cũng là những năm tháng giặc Mỹ điên cuồng đánh bom ở các tỉnh miền Bắc, cả một vùng đất Thái Nguyên rền xiết, quằn quại sức tàn phá ghê gớm của đạn bom. Nhiều nhà máy, công trường, làng mạc đổ nát. Cao điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ tập trung vào những ngày cuối của năm 1972, liên tiếp nhiều tốp máy bay chiến thuật và máy bay B52 của địch xâm phạm vùng trời Thành phố. Lúc này, tại ga Lưu Xá và ga Quán Triều còn gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng cần được giải toả gấp. Mệnh lệnh tập hợp, từ sáng sớm ngày 24-12, đồng chí Triệu Đức Việt, Đại đội trưởng Đại đội 915 cùng hơn 60 cán bộ, đội viên của Đại đội hành quân từ Linh Sơn đến ga Lưu Xá làm nhiệm vụ bốc dỡ, giải tỏa hàng… Cả ngày hôm đó, các anh, chị đã làm việc quên ăn, quên nghỉ với quyết tâm bốc dỡ, chuyển được nhiều hàng ra khỏi khu vực sân ga.
Nhưng sau ngày làm việc hôm ấy, nhiều anh, chị cơm chưa kịp ăn, nói với bạn chưa hết câu thì máy bay giặc ào đến, còi báo động rú lên, tiếp đến là tiếng bom nổ, hầm sập. Rồi cũng đêm ấy, cái nồi quân dụng của anh nuôi, đành bỏ cơm đi để đồng đội mang gom xương, thịt cho một số anh, chị… Chiếc nồi quân dụng hiện là 1 trong hơn 200 hiện vật của Đại đội 915 được trưng bày tại Khu Di tích. Đây chiếc bát ăn cơm bị văng vào giữa đổ nát bê tông; đây tấm chăn mỏng có mảnh vá; bộ tư trang sờn chỉ… của các anh, chị là những di vật thiêng chất chứa một niềm đau thương. Nhiều du khách bật khóc trong lúc đi tham quan khu trừng bày và lặng đi vì xúc cảm linh thiêng ùa về khi đứng trước di ảnh các anh, chị.
Từ sau khi được tu bổ, tôn tạo (tháng 12-2018), Khu Di tích đón tiếp nhiều nhân dân, du khách tìm đến dâng hương, tham quan, nghiên cứu, học tập. Chỉ trong thời gian 4 tháng đầu năm 2019, Ban Quản lý Khu Di tích đã đón tiếp khoảng 40.000 lượt nhân dân, du khách trong nước, quốc tế. Cá biệt có ngày đón 15 đoàn, khoảng 1.000 lượt người, trong đó có nhiều đoàn về dâng hương là cựu chiến binh, cựu TNXP, học sinh, sinh viên của nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Bà Vũ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá và Truyền thông T.P Thái Nguyên cho biết: Để giúp nhân dân, du khách hiểu sâu sắc về Khu di tích, đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của 60 TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, ngoài việc hướng dẫn cho nhân dân, du khách dâng hương các Anh hùng liệt sĩ và thỉnh chuông, thỉnh khánh, Ban Quản lý còn tổ chức cho nhân dân, du khách vừa tham quan, vừa nghe hướng dẫn viên giới thiệu tại khu trưng bày tài liệu, hiện vật TNXP và cùng xem bộ phim “Đại đội 915, Khúc tráng ca đất thép” và một số hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện ngày 24/12/1972.
Ga Lưu Xá của một thời tươm tả vì đạn bom, nay đã lành vết thương, trở thành một điểm đến lý tưởng trên vùng đất cách mạng Thái Nguyên. Và cùng thời gian, phố xá hồi sinh, vươn vai hòa nhập cùng sự phát triển chung của tỉnh và cả nước. Để mỗi ngày tiếng chuông, tiếng khánh đều đặn ngân vang, vọng vào hồn dân tộc.
Khu Di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái - một địa chỉ đỏ tri ân các Anh hùng liệt sĩ, một điểm đến lý tưởng được nhiều doanh nhân làm du lịch lựa chọn làm điểm nhấn. Từ Khu di tích đến Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam - Khu di tích lịch sử và sinh thái ATK Định Hoá - Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang); Từ Khu Di tích đến Không gian Văn hoá Trà Tân Cương - Trải nghiệm vùng chè Tân Cương - Làng Nhà sàn Thái Hải - Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Từ Khu Di tích đến Bảo tàng Quân Khu I - Chùa Phủ Liễn - Hồ Núi Cốc… Hiện Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan đã mở tuyến xe buýt số 30 phục vụ nhân dân, du khách trong tỉnh, một điểm đầu xuất phát là Khu Di tích này. |