Điềm Mặc - Nơi Bác đã dừng chân

13:10, 26/04/2019

Xã Điềm Mặc (Định Hóa) là vùng quê giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp của dân tộc. Trong đó, tiêu biểu nhất phải kể đến di tích đồi Khau Tý, thuộc xóm Bản Quyên, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa vào ngày 20/5/1947.

Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ đặt chân đến, Điềm Mặc hôm nay đã đổi thay rất nhiều, cuộc sống ấm no, đủ đầy đang hiện hữu trong từng hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Chúng tôi sải bước trên con đường bê tông uốn lượn quanh co bên những đồi cọ, nương chè xanh ngút ngàn dẫn vào di tích lịch sử đồi Khau Tý. Vừa đi, đồng chí Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc vừa kể cho chúng tôi nghe về sự kiện đặc biệt đã diễn ra 72 năm trước tại đây.

Ngày 20/5/1947, Bác Hồ đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người ở đây, dưới sự chở che, bảo vệ an toàn tuyệt đối của cán bộ và đồng bào các dân tộc xã Điềm Mặc. Trong những năm tháng kháng chiến, cùng với Bác Hồ còn có nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và cơ quan của Trung ương đã được đồng bào các dân tộc nơi đây bảo vệ. Ghi nhận những đóng góp của đồng bào các dân tộc xã Điềm Mặc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, năm 2010, xã Điềm Mặc được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực vũ trang nhân dân.

Đường vào xã Điềm Mặc.

Tự hào là vùng đất chiến khu cách mạng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Điềm Mặc luôn đoàn kết một lòng, chung sức xây dựng quê hương. Đến xã Điềm Mặc hôm nay, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của vùng đất khó khăn này. Những con đường bê tông, uốn lượn quanh các đồi cọ, nương chè xanh mát mắt đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc về một vùng quê cách mạng đang đổi mới từng ngày.

Với đặc thù là một xã miền núi có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%, trước đây, do hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đồng bào lại thiếu kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, điện lưới quốc gia đã thắp sáng khắp các bản, làng; trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang.

Không chỉ trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà Nước, người dân trong xã cũng đac nỗ lực phấn đấu vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu bằng việc tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Nếu như trước kia, đời sống kinh tế của người dân Điềm Mặc chủ yếu dựa vào lúa và chè trung du thì nay, các gia đình trong xã đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Những loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao, như: Chè cành, ngô lai, cây ăn quả, khoai tây, bí đỏ… được trồng ngày càng phổ biến đã góp phần nâng cao thu nhập cho bà con.

Để nâng cao thu nhập cho người dân, vài năm trở lại đây, chính quyền địa phương đã vận động và hỗ trợ người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi từ giống chè trung du sang trồng các giống chè lai cho năng suất cao như: LDP1, PH1, TRI 777, Long Vân… Theo thống kê, từ năm 2010 trở lại đây, trung bình mỗi năm, người dân xã Điềm Mặc đã chuyển đổi được trên 20ha chè lai. Đến nay, diện tích chè lai, chè cành chất lượng cao chiếm trên 50% tổng diện tích chè của xã. Sản lượng chè búp tươi toàn xã đạt trên 30.000 tấn. Thu nhập bình quân của người trồng chè đạt gần 35 triệu đồng/người/năm. Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, vài năm trở lại đây, các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã như: Làng Văn hóa du lịch Bản Quyên, di tích đồi Khau Tý, lán Trường Chinh… còn thu hút hàng nghìn du khách đến thăm quan mỗi năm, góp phần tạo đà cho địa phương phát triển kinh tế gắn với du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ sự năng động, đoàn kết, sáng tạo trong lao động sản xuất, những năm qua đời sống của người dân xã Điềm Mặc ngày càng được nâng lên. Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 25 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 17,04% (năm 2011 là 36,3%). Trên địa bàn xã giờ đây không còn hộ đói, 100% hộ dân sử dụng điện lưới Quốc gia, trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được đi học…