Những bóng hồng trên tuyến lửa Trường Sơn năm xưa

13:57, 03/05/2019

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn hay còn gọi là đường mòn Hồ Chí Minh là tuyến đường vận chuyển vũ khí, quân nhu, quân lương, hàng hóa… quan trọng nhất của hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Suốt 16 năm, con đường huyền thoại ấy được nối liền, thông suốt bằng ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm của hàng ngàn, hàng vạn thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi, trong đó có nhiều người con gái ưu tú của mảnh đất Sông Công.

Giống với nhiều chị em khác, "chuyện chiến trường" của bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Trưởng Ban Liên lạc nữ chiến sĩ Trường Sơn T.P Sông Công bắt đầu vào tuổi đẹp nhất của đời người - khi vừa tròn 16. Bà Hải bồi hồi: Năm 1965, khi cuộc chiến đấu chống quân xâm lược ngày một khốc liệt, lòng căm thù giặc, khí thế cách mạng, lòng yêu nước càng sục sôi hơn bao giờ hết, thúc giục tôi viết đơn tình nguyện tham gia thanh niên xung phong (TNXP). Sau đó, tôi được biên chế vào đơn vị Công trường 20, Đoàn 559, nhiệm vụ là làm Đường 20 - Quyết thắng từ Km00 (Bố Trạch, Quảng Bình) đến Km72 (Gio Linh, Quảng Trị). Với vị trí chiến lược đặc biệt, Đường 20 trở thành tọa độ bắn phá dữ dội của quân đội Mỹ với nhiều loại vũ khí tối tân nhất, từ bom nổ chậm, bom từ trường, bom điều khiển bằng lade, chất độc hóa học đến dùng B-52 rải thảm.

 Những “tọa độ chết” như trọng điểm cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, đèo Pha Kha, Măng Vu, Thà Khống… trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với mỗi chiến sĩ. Đêm đầu tiên đến đường Trường Sơn, chúng tôi không sao ngủ được, phần vì nhớ nhà, nhớ bạn bè, quê hương; phần vì tiếng bom đạn rùng rợn vang cả núi rừng. Nhưng ai cũng đều xác định ra đi sẽ không có ngày trở về, nên càng quyết tâm “tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc”. Nhiệm vụ làm Đường 20 - Quyết Thắng hoàn thành xuất sắc trong 100 ngày. Công trường 20 giải thể, bà Hải được điều động về Binh trạm 14, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, Đoàn 559. Bà vẫn nhớ như in những đêm bốc xếp, vận chuyển hàng vào chiến trường. Người con gái mảnh khảnh, vác trên vai những bao gạo, hòm đạn ĐKB, đạn lựu… nặng tới năm bảy mươi cân mặc cho bom thù càn quét trên đầu.

Hằng ngày, hằng giờ phải trực tiếp đối mặt với sự tàn khốc của bom đạn, sự hy sinh, gian khổ đó chưa phải là tất cả thử thách với mỗi chiến sĩ Truờng Sơn. Bà Lê Thị Tấn, người từng tham gia TNXP đội cầu 19 Hà Tĩnh nhớ lại: Mùa mưa ở Trường Sơn bắt đầu từ tháng 6 rồi dai dẳng đến hết năm, kéo theo muỗi, vắt, ruồi vàng và những cơn sốt rét ác tính hành hạ. Trên những cung đường âm u, ẩm ướt, nam giới đã khổ, nữ giới còn cực gấp nhiều lần vì quần áo, tư trang, đồ dùng riêng tư chẳng mấy khi khô, sạch. Khi mùa khô đến lại là lúc thiếu nước uống, nước sinh hoạt triền miên, trong khi ban ngày gió Lào bỏng rát, nắng cháy khét da, đêm về sương giăng buốt thịt…; cơm ăn bữa no, bữa đói chỉ có đồ hộp với rau rừng. Vất vả là thế nhưng không ai kêu ca, phàn nàn, vẫn ca hát, vui lắm!

 Câu chuyện của bà Tấn bỗng trùng xuống khi nhắc về lần “chết hụt” của mình: Đêm tháng 10-1972, khi đang cùng tiểu đội làm Cầu Già (Hà Tĩnh), bất ngờ máy bay địch tập kích, tôi chưa kịp chạy vào hầm trú ẩn đã vội nghe tiếng bom thả chói tai, rồi ngất lịm. Nửa ngày sau tỉnh dậy mới biết, mình bị mảnh bom phạt ngang đầu. Nhưng còn sống, còn tiếp tục chiến đấu đã là may mắn rồi. Tiểu đội tôi hôm ấy, một người thương tật suốt đời, còn một người đã ra đi mãi mãi…

Trong những năm tháng đau thương, khốc liệt, sự sống cận kề với cái chết ấy vẫn có những chuyện tình thật đẹp, thật lãng mạn của các nữ chiến sĩ lái xe Trường Sơn với những người lính trẻ ra đi giải phóng quê hương. “Tình yêu của chúng tôi bền chặt như vậy là do ngoài chuyện tình yêu trai gái, chúng tôi còn đó tình cảm thiêng liêng hơn đó là tình đồng đội, tình yêu quê hương, đất nước” bà Hà Thị Nam, y tá Bệnh viện Đoàn 559 nói với chúng tôi như vậy khi kể về tình yêu của mình.

Chồng bà, thương binh Lê Văn Lại ngày ấy là bộ đội pháo binh. Năm 1972, ông bị thương nặng trong một lần quyết chiến với kẻ thù. Ngày ngày thay băng, chăm sóc vết thương cho anh lính trẻ, những câu chuyện qua lại lúc là chuyện chiến trường khi là chuyện quê hương, y tá Nam đã động lòng thương anh chiến sĩ quả cảm lúc nào chẳng hay. Do vết thương quá nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe, nên ông Lại được điều chuyển về làm nhân viên kỹ thuật ở viện 59. Tiếng là chung một đơn vị nhưng do thực tế chiến đấu nên thời gian họ ở bên nhau không được nhiều. Chỉ có sự tin tưởng và thi đua chiến đấu, phục vụ chiến đấu trở thành sợi dây thắt chặt tình yêu đôi lứa giữa mưa bom, bão đạn.

Mãi đến năm 1976, khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng, họ mới được đơn vị tổ chức lễ cưới đầm ấm giữa rừng Trường Sơn. Giờ đây, tình yêu của hai người lính Trường Sơn năm nào đã là mái ấm hạnh phúc. “Cả 5 người con của chúng tôi đều đã trưởng thành, ngày ngày vui vầy bên con cháu, với những người đã trải qua sinh tử như chúng tôi, niềm hạnh phúc hôm nay đã quá tròn đầy”. - Bà Nam nói.

Trong cuộc chiến đầy cam go, ác liệt ấy đã có hàng chục nghìn người con gái Việt Nam đã ngã xuống, để những tọa độ lửa năm xưa nay xanh màu no ấm, hòa bình. Những người trở về với cuộc sống đời thường, nay đã ngoài 60. Sức ép của bom mìn, lửa đạn; những vết thương còn ghim trên thân thể hễ trái gió trở trời lại đau nhức nhối. Cả những căn bệnh tuổi già như huyết áp, xương khớp vẫn đeo bám dai dẳng. Phía sau câu chuyện về quá khứ hào hùng của bà Hải là những câu chuyện buồn.

Năm 2004, người con trai út của bà bị tai nạn giao thông qua đời, từ đó người con dâu cũng bỏ đi biệt tích, để lại cho ông bà đứa cháu trai còn khát sữa. Mười năm sau, chồng bà qua đời, gánh nặng gia đình càng đè lên đôi vai người phụ nữ tội nghiệp. 15 năm qua bà Hải vừa là bà, vừa là mẹ của cháu, lại một mình chăm mẹ già đã 100 tuổi ốm liệt giường năm năm nay.

Bùi ngùi trước hoàn cảnh éo le của đồng đội, bà Tấn cho biết thêm: Cả nhà bà Hải hiện sống trong ngôi nhà xây dựng từ năm 1995, đã xuống cấp. Cuộc sống phụ thuộc vào tiền trợ cấp của cả ba người với số tiền hơn 2 triệu đồng/tháng, tằn tiệm lắm mới đủ trang trải chi tiêu trong gia đình và lo cho cháu ăn học nên không thể xây nhà ở. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, nên chúng tôi chỉ có thể quan tâm, thăm hỏi, trò chuyện, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với nhau. Rất mong Nhà nước, các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm quan tâm hỗ trợ đồng đội tôi xây dựng một ngôi nhà mới an toàn hơn.

Bước qua bom đạn chiến tranh, trở về với đời thường, những nữ chiến sĩ Trường Sơn năm xưa vẫn tràn đầy nghị lực bước qua nghịch cảnh, trở thành những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.