Được xây dựng từ đầu thế kỷ XVIII, chùa Mai Sơn (Kha Sơn, Phú Bình) không chỉ là nơi thờ Phật lâu đời mà còn là một trong những căn cứ cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Mảnh đất này với những con người trung hậu, đoàn kết đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Đặc biệt trong giai đoạn 1943-1944, chùa Mai Sơn đã được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn làm nơi đặt cơ sở in ấn, cho ra đời những tài liệu quan trọng phục vụ cách mạng.
Với địa thế lưng dựa núi, mặt hướng ra cánh đồng, nhìn từ xa, chùa Mai Sơn mang trong mình vẻ thâm nghiêm, cổ kính. Phía trong, chùa có 12 cột đá có khắc chữ tương truyền do nhân dân các làng quê bỏ tiền công đức mua về từ Thanh Hóa để xây dựng. Với người dân làng Mai Sơn nói riêng và các vùng lân cận nói chung, chùa Mai Sơn là nơi sinh hoạt tâm linh suốt nhiều đời nay. Để giữ gìn, bảo vệ cũng như đáp ứng nhu cầu ấy của bà con, xóm đã lập Ban hộ tự để tiện phân công người trông coi, chăm sóc. Nhờ vậy, chùa lúc nào cũng được hương khói, quét dọn sạch sẽ.
Về đây trong những ngày tháng Tám, được gặp gỡ, trò chuyện với những bậc cao niên của xóm, chúng tôi như được xem lại những thước phim về những giai đoạn cao trào của cuộc đấu tranh cách mạng giành chính quyền của Đảng, nhân dân ta ở vùng ATK II trước năm 1945. Trong đoạn phim ấy, có hình ảnh của một vùng quê thuần nông với những con người chất phác, một lòng tin và đi theo Đảng. Con người và mảnh đất Mai Sơn bao bọc, che chở các chiến sĩ cách mạng kiên trung. Từ năm 1943 đến cuối năm 1944, chùa Mai Sơn là địa điểm được Xứ ủy Bắc Kỳ chọn đặt cơ quan in ấn của Đảng. Tại đây, nhiều tài liệu quan trọng như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (in bổ sung), Chương trình, Điều lệ Việt Minh, báo Cờ Giải Phóng, các cuốn sách về chiến tranh du kích… đã được in và chuyển đến các địa phương nhằm hướng dẫn cán bộ, đảng viên, quần chúng đường lối và phương pháp đấu tranh giành chính quyền. Các chủ trương, đường lối chiến lược, sách lược của Đảng được in ấn, phát hành từ chùa Mai Sơn đã tỏa đi các nơi, đến với quần chúng, giác ngộ và tổ chức nhân dân cùng đứng lên đấu tranh giành chính quyền.
Cũng tại chùa Mai Sơn, năm 1943, đồng chí Lương Văn Đài, cán bộ lãnh đạo địa phương của Xứ ủy Bắc Kỳ đã triệu tập Hội nghị cán bộ cơ sở của các xã phía Nam huyện Phú Bình quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh tổng Phương Sơn, bao gồm các làng từ Phương Độ đến Kha Sơn Hạ. Đây là sự kiện quan trọng, mở đầu cho việc thành lập Mặt trận Việt Minh ở các tổng trong toàn huyện sau này.
Cụ Nguyễn Thị Bổn (89 tuổi), cụ Nguyễn Thị Vận (80 tuổi) là nhân chứng mà chúng tôi may mắn được gặp, trò chuyện khi về Mai Sơn. Cụ Nguyễn Thị Bổn nhớ lại: Ngày ấy, làng nằm sâu trong rừng và còn hoang sơ lắm, đường dẫn vào làng chỉ là lối mòn. Cán bộ cách mạng về làng, bà con phấn khởi, tin tưởng và hết lòng ủng hộ, bảo vệ, che chở. Đặc biệt là có các đồng chí Hà Thị Quế, Trần Độ… là những người hoạt động rất tích cực, tuyên truyền trong nhân dân về cách mạng, phương pháp đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật giành lấy độc lập, tự do. Bởi vậy, trong làng có có rất nhiều người tham gia cách mạng như các ông, bà: Nguyễn Đức Khánh, Nguyễn Tiến Khoan, Nguyễn Thị Hột (tức Tạo), Nguyễn Tiến Cúc, Ngô Thị Xứng, Nguyễn Công Vít… Làng Mai Sơn trở thành căn cứ quan trọng, an toàn của Kha Sơn cũng như vùng ATK II của Đảng. Bởi vậy, Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc kỳ đã đặt xưởng in tại chùa Mai Sơn. Thấy phong trào cách mạng lên cao, năm 1944, giặc ra sức săn lùng ráo riết. Chúng tổ chức nhiều cuộc càn quét để truy tìm cán bộ cách mạng, người dân yêu nước. Chúng phát hiện ra Nhà in đặc biệt của Xứ ủy Bắc Kỳ ở chùa Mai Sơn và đã bắt nhiều quần chúng của làng và các xã lân cận để đàn áp. Dẫu vậy, nhân dân vẫn một lòng tin theo Đảng, theo cách mạng.
Tự hào với truyền thống cách mạng ấy, ngày nay, thế hệ hậu sinh luôn ghi nhớ công lao những người đi trước, tuyên truyền, giáo dục cho lớp trẻ. Ông Phạm Ngọc Thiện, Bí thư Chi bộ xóm Mai Sơn tự hào: Xóm có nhiều cán bộ lão thành cách mạng, có mẹ liệt sĩ, thương bệnh binh, nạn nhân chất độc da cam, được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương là những tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ nhìn vào để nỗ lực học tập, rèn luyện, thi đua lao động, sản xuất, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái. Hiện nay, xóm có 130 hộ với trên 540 nhân khẩu nhưng chỉ còn 2 hộ nghèo, 2 hộ cận nghèo. Những năm qua, xóm có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Nhiều người đỗ đạt có bằng đại học, trong đó có 3 thạc sĩ. Xóm luôn làm tốt công tác hậu phương quân đội, thăm hỏi các gia đình chính sách.
Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Kha Sơn thông tin: Kha Sơn có nhiều điểm di tích lịch sử được Nhà nước công nhận. Trong đó có chùa Mai Sơn được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1997. Năm 2013, chùa đã được tỉnh, huyện đầu tư tu bổ, tôn tạo một số hạng mục chính: Nhà Tiền đường, nhà Ống muống, nhà Tam bảo, nhà Tổ, tường bao với tổng kinh phí trên 6 tỷ đồng. Chùa Mai Sơn cũng như các di tích khác như: Đình Kha Sơn Thượng, Kha Sơn Hạ, rừng Mấn, nền nhà ông Cao Nhật… luôn là địa chỉ đỏ để giáo dục cho học sinh, nhân dân trên địa bàn hướng về cội nguồn.
Cuộc trò chuyện ở chùa Mai Sơn tạm dừng khi mặt rời đã xế bóng. Trước khi chia tay, cụ Nguyễn Thị Bổn níu chúng tôi lại, nói những lời tâm huyết: Ngày giặc Pháp tổ chức càn quét, lùng bắt cán bộ Đảng ta, có Lý trưởng Lê Văn Sáng đã thông tin và bảo vệ các chiến sĩ cách mạng trước mỗi đợt càn quét của địch, nhờ vậy mà nhiều cán bộ của ta đã thoát được vòng vây của chúng. Sau này bị địch phát hiện, Lý trưởng Lê Văn Sáng cùng ông Nguyễn Công Vít bị chúng bắt rồi chặt đầu bêu dương thị chúng để đàn áp cách mạng. Vừa qua, ông Nguyễn Công Vít đã được Nhà nước công nhận truy phong là cán bộ lão thành cách mạng. Còn ông Lê Văn Sáng cũng là người có công nhưng chưa được ghi nhận. Tôi và người dân Mai Sơn rất mong Đảng và Nhà nước xem xét, ghi nhận những đóng góp của ông với cách mạng.