Sinh ra trong gia đình làm chè, sớm gắn bó với cây trồng này, nên bà Trần Thị Bẩy, tổ 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đã tự tin đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh chè ngay ở quê hương mình. Việc làm ăn thuận lợi, những năm gần đây, gia đình bà thu được 500-600 triệu đồng/ năm từ chè.
Bà Bẩy chia sẻ: Ngày trước cả một vùng ở thị trấn Sông Cầu là nông trường chè, sau chuyển đổi thành công ty chè. Trong gia đình, tôi thuộc thế hệ thứ hai tham gia làm công nhân của nông trường và của công ty. Hồi bấy giờ, cha mẹ tôi, rồi đến chúng tôi đi làm đều theo chỉ đạo của đội sản xuất, kể từ việc trồng chè, dãy cỏ, phun thuốc trừ sâu và thu hái đều có giám sát của cán bộ kỹ thuật. Cơ chế thay đổi, công ty thực hiện cổ phần hoá, gia đình tôi được nhận lại 1,5ha đất chè.
Được quyền đầu tư sản xuất trên mảnh đất công ty giao, gia đình bà Bẩy tập trung chăm lo cho cây chè. Tuy nhiên, cùng thời gian, cây chè bị già cỗi, cho năng suất thấp, chất lượng không cao. Bà trăn trở, tự tìm đến các hộ trồng chè điển hình ở các xã vùng Tân Cương (T.P Thái Nguyên) học hỏi kinh nghiệm sản xuất, chế biến chè. Thấy nhiều hộ trồng chè lai cho năng suất cao, về nhà bà bàn với chồng phá bỏ diện tích chè già cỗi, cải tạo đất, trồng thay thế bằng chè cành giống mới, gồm: LDP1, Kim Tuyên, Long Vân. Bà cho biết: Cuộc sống của gia đình trông cậy vào cây chè, nên tôi chia đất thành từng lô nhỏ, trồng thay thế dần chứ không làm đồng loạt. Cách làm này giúp gia đình duy trì được nguồn thu nhập từ cây chè, đồng thời có thời gian, điều kiện chăm sóc cho diện tích chè trồng mới phát triển tốt. Đến năm 2008, gia đình tôi đã trồng thay thế toàn bộ diện tích bằng các giống chè mới.
Trong chăm sóc chè, gia đình bà Bẩy sử dụng phân hữu cơ và phân xanh, hạn chế sử dụng phân vô cơ. Bên cạnh đó, gia đình bà đầu tư giàn tưới cho từng lô, nên vào các đợt nắng nóng kéo dài, hoặc nhiều ngày trời không có mưa, đồi chè của gia đình bà vẫn có đủ độ ẩm cho cây chè nảy búp. Để công việc sản xuất, chế biến chè thuận lợi, năm 2004, gia đình bà Bẩy đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng nhà xưởng chế biến chè rộng hơn 200m2; đồng thời lắp đặt hệ thống máy vò, máy sao sấy phục vụ việc sản xuất chè của gia đình và hỗ trợ chế biến chè cho một số hộ khó khăn trong vùng. Bà Bẩy cho biết: Từ nhiều năm nay, gia đình tôi tham gia Tổ hợp tác vùng chè VietGAP tập trung xóm 5 của thị trấn Sông Cầu. Để nâng cao chất lượng chè trong quá trình chế biến, gia đình tôi đầu tư thay thế hệ thống dây chuyền sản xuất trước đây bằng các thiết bị mới, với 1 máy tôn inox sao sấy đốt gas, 3 máy tôn inox sao sấy đốt củi, 6 máy vò, 1 máy hút chân không… Toàn bộ chè sau thu hái đều được chế biến ngay trong ngày.
Bà không giấu diếm: Trung bình 1 năm, cả chè chính vụ và chè vụ đông, gia đình tôi được thu hái 8 lứa, sản lượng cả năm đạt 12,5 tấn chè búp tươi, tương đương với 2,5 tấn chè búp khô. Chè của gia đình được chia làm nhiều loại sản phẩm, với giá bán từ 250 nghìn đồng đến 3 triệu đồng/kg. Cá biệt là hàng đặt, loại trà đinh có giá hơn 5 triệu đồng/kg. Tổng thu nhập của gia đình đạt từ 500-600 triệu đồng/năm.
Không chỉ chăm lo cho việc sản xuất, chế biến chè của gia đình, bà Bẩy tích cực vận động bà con trong vùng cùng tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo vùng hàng hoá, từng bước xây dựng thương hiệu chè tổ 5 Sông Cầu. Hiện cơ sở sản xuất, chế biến chè của gia đình bà Bẩy còn đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ làm chè của Tổ hợp tác với hơn 100 tấn chè búp tươi mỗi năm.