“Trên địa bàn phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên) có 2 địa điểm được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp tỉnh là Đình Quan Triều thờ Thánh Đuổm Dương Tự Minh và địa điểm tại Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn TKV nơi Bác Hồ về thăm ngày 1/1/1964. Đồng chí Trần Thái Hòa, Chủ tịch UBND phường thông tin.
Lịch sử ghi lại, Dương Tự Minh, thủ lĩnh người dân tộc Tày quê gốc ở Quan Triều, phủ Phú Lương (nay thuộc phường Quan Triều, T.P Thái Nguyên). Hiện, chưa rõ chính xác năm sinh, năm mất của ông, nhưng phần lớn các tài liệu đều ghi nhận ông sống và hoạt động trong khoảng nửa đầu thế kỷ XII. Giai đoạn này, nhà Lý sau gần một thế kỷ hưng thịnh, đến đời vua Lý Thần Tông, Lý Anh Tông bắt đầu có dấu hiệu suy yếu. Biên giới phía Bắc Đại Việt, đặc biệt là các vùng đất thuộc phủ Phú Lương liên tục có biến động bởi sự nổi dậy của các tù trưởng người dân tộc thiểu số và sự xâm lấn đất đai của người Tống. Trong bối cảnh đó, thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh đã có những đóng góp to lớn trong việc đoàn kết các dân tộc để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ vững chủ quyền biên giới. Ông là nhân vật duy nhất trong lịch sử từng 2 lần được phong Phò mã.
Theo lời ông Lê Quang Thế, sinh năm 1932, ở tổ 23 phường Quán Triều: Tôi sinh ra và lớn lên ở đây cũng chỉ nghe các cụ kể lại Đình Quan Triều thờ Thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh Dương Tự Minh. Cùng với đó, cộng đồng dân cư còn thờ thân mẫu và hai vị phu nhân của ngài. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến của Đảng và Chính phủ, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phá cho rộng, phá cho sâu, phá cho bọn Pháp không còn lợi dụng được”, nhân dân địa phương đã tự tay tháo dỡ để ủng hộ kháng chiến. Năm 1962, khu đất đình được san lấp xây dựng trường học. Trong quá trình xây dựng, dân làng Quan Triều thu được một số hiện vật như: 1 đoạn cột bằng gỗ lim; 2 bản sắc phong thời nhà Nguyễn; một bản chép tay “Hiệu bộ đại Vương” và một số giấy tờ viết bằng chữ Hán Nôm. Năm 1991, ban thờ Thành hoàng được đưa về khu hợp tác xã nông nghiệp. Tại đây hằng năm, nhân dân duy trì tổ chức lễ hội và các hoạt động tưởng nhớ người anh hùng của quê hương, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, may mắn đến với mọi người, mọi nhà. Năm 1996, Bảo tàng Thái Nguyên đã kiểm kê và đưa vào danh mục. Để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, năm 2009, nhân dân địa phương huy động kinh phí xã hội hóa phục hồi ngôi đình theo kiến trúc truyền thống.
Để hiểu rõ hơn về lịch sử hình thành chúng tôi tìm đến Đình Quan Triều và được bác Nguyễn Ngọc Soan, Trưởng Ban Quản lý đình giới thiệu sâu hơn về kiến trúc cũng như các hiện vật hiện còn lưu giữ tại đây. Sau khi được xây dựng lại, đình có kiến trúc theo hình chữ Đinh, có diện tích 125m2. Ngoài ban thờ công đồng, hậu cung thờ tượng Đức Thánh đuổm Dương Tự Minh; ban thờ mẫu, nhị vị phu nhân Đức thánh… Hiện vật còn lại là chiếc nồi đồng, chiêng đồng, kiệu thánh. Ngày 31/12/2019, UBND tỉnh ký quyết định công nhận đình Quan Triều là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Địa phương đã lên kế hoạch tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích vào đúng dịp lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 13 và 14 tháng Giêng hằng năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phải hoãn lại.
Tâm nguyện của người dân địa phương: mong muốn cấp trên quan tâm để địa phương huy động xã hội hóa xây dựng đền thờ mẫu trong khuôn viên Đình Quan Triều cho xứng với nơi sinh thành Thánh Đuổm.