Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, đã có nhiều cơ quan được thành lập, đóng và làm việc tại ATK Định Hóa. Trong số này có cơ quan Cục Thông tin, Bộ Quốc phòng.
Ngày 31/7/1949, Bộ trưởng Bộ quốc phòng ban hành Nghị định số 123/NĐ thành lập Cục Thông tin thuộc Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Quốc gia và Dân quân, tự vệ Việt Nam. Cơ quan thành lập trên cơ sở Phòng Thông tin liên lạc quân sự do đồng chí Hoàng Đạo Thúy làm Trưởng phòng. Theo Nghị định, Cục Thông tin là cơ quan tham mưu cho Bộ Tổng tư lệnh về mặt thông tin liên lạc; tổ chức, giữ vững thông tin liên lạc từ Bộ Tổng Tham mưu đến các chiến trường, các đơn vị chỉ đạo nghiệp vụ; trang bị vật chất kỹ thuật cho các đơn vị thông tin liên lạc trực thuộc Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh; thống nhất tất cả các lực lượng thông tin liên lạc ở cơ quan Bộ Quốc phòng, Sở Vô tuyến điện Việt Nam và đưa về nằm trong đội hình Cục Thông tin.
Trong giai đoạn 1952-1953, cơ quan Cục Thông tin ở và làm việc ở xóm Khuổi Tát, xã Quy Kỳ (Định Hóa). Địa điểm này đã được khảo sát, xác định vị trí nhưng được xây bia di tích. Ông Hoàng Văn Chức, sinh năm 1942, ở xóm Khuổi Tát, xã Quy Kỳ xác nhận: Khu vực Cục Thông tin làm việc nằm ở trên lưng chừng đồi, san gạt nền tương đối rộng. Sau khi chuyển đi thì nơi này vẫn còn giấu khá nhiều máy móc và điện đàm nhưng nay không còn và gần như mất dấu.
Tháng 5-1953, Cục Thông tin chuyển địa điểm đến xóm Khuân Giàng, xã Trung Hội (từ năm 1953 đến nay thuộc xã Trung Lương, Định Hóa). Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đội ngũ cán bộ đơn vị đã xác định quyết tâm trong thời gian 6 tháng phải hoàn thành những công việc: Hình thành tổ chức cơ quan và đơn vị thuộc Cục; mở lớp đào tạo sĩ quan tham mưu, thông tin liên lạc và cán bộ kỹ thuật sửa chữa vô tuyến điện, điện thoại, máy phát điện; dự thảo trình Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh duyệt và ban hành phương án tổ chức hệ thống thông tin liên lạc trong toàn quân; sắm và sửa chữa các phương tiện khí tài thông tin liên lạc để sớm trang bị cho các đơn vị, đồng thời nhanh chóng biên soạn tài liệu “Thông tin liên lạc sơ lược” để huấn luyện trong toàn quân.
Cũng tại Khuân Giàng, Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã dành nhiều thời gian đến làm việc và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ của Cục Thông tin. Ông nhấn mạnh: “Thông tin liên lạc cần nắm chắc những nhiệm vụ cốt yếu nhất, trong đó hàng đầu là xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có đủ trình độ đảm nhận nhiệm vụ, bảo đảm chỉ huy bộ đội trong điều kiện tác chiến vận động với quy mô lớn hơn. Phương hướng tự lực là đúng nhưng Cục Thông tin cần tăng cường phương tiện vật chất - kỹ thuật cho cấp chiến dịch, chiến thuật để đủ sức hoàn thành nhiệm vụ…”.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Cục Thông tin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo, chỉ huy các cấp phối hợp giữa các chiến trường; góp phần xây dựng các đại đoàn chủ lực, bảo đảm cho chỉ huy tác chiến của ba thứ quân, cho đấu tranh chính trị, ngoại giao…phục vụ đắc lực cho lực lượng vũ trang đấu tranh giành thắng lợi trong các chiến dịch, đặc biệt là cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953-1954) mà đỉnh cao là Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954. Với ý nghĩa lịch sự quan trọng như vậy, địa điểm đóng quân của Cục Thông tin (1953-1954) tại Khuân Giàng, xã Trung Lương đã được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào tháng 8-2017.