Với vị trí chiến lược, năm 1946, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đã quyết định rút lên căn cứ địa Việt Bắc mà đại bản doanh là Thái Nguyên để chỉ đạo phong trào cách mạng trên cả nước. Cũng tại mảnh đất này (làng Nông, xã Yên Trạch, huyện Phú Lương), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (tiền thân là Bệnh viện Trung ương Yên Trạch) được thành lập ngày 1/4/1951.
Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tên gọi ban đầu là Bệnh viện Trung ương Yên Trạch. Sau đó, Bệnh viện lần lượt được đổi tên thành Phân viện 8 (tháng 7/1951). Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, khó khăn, gian khổ và vô cùng thiếu thốn về trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men, lương thực, thực phẩm, giữa rừng núi hoang sơ, hiểm trở…, lực lượng của Phân viện 8 ban đầu chỉ có 30 thầy thuốc, cán bộ, nhân viên; cơ sở điều trị, thuốc men thiếu thốn. Đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên Phân viện 8 ngày ấy đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, vừa tích cực điều trị cho thương bệnh binh, vừa xây dựng và củng cố cơ sở điều trị, xây dựng Phân viện thành một bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của toàn chiến khu.
Trong điều kiện chiến đấu và phục vụ chiến đấu gian khổ, ác liệt, thương bệnh binh mắc nhiều loại bệnh cả về nội khoa và ngoại khoa; đặc biệt vào nửa cuối năm 1953, các y, bác sĩ Phân viện 8 đã đón gần 400 thương, bệnh binh bị nhiễm trùng nặng. Cao điểm nhất là khi chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn, thương, bệnh binh từ mặt trận chuyển đến Phân viện 8 tăng lên đột ngột, có lúc tiếp nhận đến gần 600 người. Có rất nhiều bệnh nhân phẫu thuật bị nhiễm trùng, bệnh nhân chấn thương sọ não, cột sống không còn ý thức, tâm thần kích động... Với tinh thần thương yêu đồng chí, đồng đội, các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên đã không quản ngày đêm, hết lòng cứu chữa, tận tình chăm sóc, động viên tinh thần, vận dụng các phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân…
Tại mảnh đất Yên Trạch, các y, bác sĩ của Bệnh viện đã nhận được sự giúp đỡ hết lòng, sự chở che đùm bọc của nhân dân các dân tộc trong xã. Bà con đã hỗ trợ các y, bác sĩ đào hầm làm các phòng mổ, phòng điều trị, đảm bảo cấp cứu, đón nhận và chữa trị cho nhiều thương, bệnh binh bị nhiễm trùng nặng cùng hàng trăm thương, bệnh binh mắc bệnh mạn tính từ tuyến trước chuyển về. Đồng thời cung cấp lương thực, thực phẩm để bữa ăn của các y, bác sĩ bớt thiếu chất. Cũng trong thời gian này, Viện đã nghiên cứu, sáng tạo ra các kỹ thuật tiên tiến như: Sử dụng dung dịch mar-cano để đếm hồng cầu; X-quang nửa sóng phát hiện được mủ màng phổi; sử dụng kính hiển vi, phát hiện được xoắn trùng mảnh để chữa các ca nhiễm xoắn khuẩn…
Nhằm tri ân và thể hiện lòng biết ơn đối với đồng bào các dân tộc trên địa bàn xã Yên Trạch, trong những năm qua, Bệnh viện đều tổ chức các đoàn lên thăm, khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con nhân dân trong xã. Đặc biệt, Bệnh viện đã hỗ trợ xây dựng 17 căn nhà tình nghĩa tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Yên Trạch hỗ trợ các gia đình chính sách vươn lên ổn định cuộc sống.
Gia đình thương binh Ma Thiên Lý là một trong số những hộ dân được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hỗ trợ 70 triệu đồng xây dựng nhà không khỏi xúc động kể: Tập thể cán bộ, chiến sĩ, các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rất tình nghĩa. Hằng năm, ngoài tổ chức các đoàn đến khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con trong xã, Bệnh viện còn tặng quà các gia đình chính sách, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bản thân gia đình tôi xây dựng được ngôi nhà vững chãi như hôm nay cũng nhờ tấm lòng ủng hộ của tập thể cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện.
Hiện nay, Bệnh viện 108 là bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối của toàn quân