Đổi thay trên quê hương cách mạng Võ Nhai

07:15, 15/09/2021

Cách đây tròn 80 năm, ngày 15/9/1941, huyện vùng cao Võ Nhai vinh dự là nơi ra đời Trung đội Cứu quốc quân II - một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Phát huy truyền thống vẻ vang của vùng quê cách mạng, của những thế hệ đi trước, Đảng bộ, chính quyền cùng Nhân dân các dân tộc trong huyện luôn nỗ lực vượt khó vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng  phát triển.

Ngược dòng lịch sử, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (Lạng Sơn) nổ ra vào năm 1940 đã gây cho thực dân Pháp những tổn thất nặng nề. Chúng điên cuồng khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng, do đó Đội Cứu quốc quân I phải rút khỏi căn cứ Bắc Sơn để bảo toàn lực lượng, phong trào cách mạng khi đó gặp nhiều khó khăn. Ngày 15/9/1941, tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá (Võ Nhai), thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt tuyên bố thành lập Trung đội Cứu quốc quân II với 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 22 chiến sĩ là con em địa phương. Ban Chỉ huy Trung đội gồm 3 người, do đồng chí Chu Văn Tấn làm Chỉ huy trưởng. 

Trung đội Cứu quốc quân II nhanh chóng phát triển lực lượng lên 46 chiến sĩ, được biên chế thành 5 tiểu đội. Với trang bị vũ khí thô sơ, điều kiện vật chất thiếu thốn nhưng tràn đầy tinh thần yêu nước, các chiến sĩ của Trung đội Cứu quốc quân II đã dũng cảm chiến đấu với quân thù, lập nhiều chiến công hiển hách như: Trận đánh ở Đèo Bắp - tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; trận đánh ở Mỏ Nùng (Lâu Hạ); trận đánh ở Suối Bùn, xã Tràng Xá; trận ở Lân Han, trận ở cây Đa La Hóa… Ngày 21/3/1945, Cứu quốc quân II cùng với quần chúng nhân dân trong huyện đánh chiếm châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai - chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên.

Ngày nay, rừng Khuôn Mánh - nơi thành lập Đội Cứu quốc quân II - đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia từ năm 1994; xã Tràng Xá được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Danh sách các cán bộ, chiến sĩ Đội Cứu quốc quân II được khắc trang trọng trên bia đá hoa cương tại điểm Di tích nằm giữa đại ngàn Khuôn Mánh, ghi dấu một trong những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. 

Bà Chu Thị Lệ Hiền, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá chia sẻ: Đối với Di tích lịch sử rừng Khuôn Mánh, địa phương giao cho cấp xóm và Đoàn Thanh niên xã quản lý, thường xuyên dọn dẹp và là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân trong huyện và du khách thập phương. Người dân Tràng Xá luôn tự hào với truyền thống quê hương cách mạng và không ngừng phấn đấu vươn lên để làm vẻ vang hơn nữa mảnh đất này.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của một gia đình ở xóm Hợp Nhất, xã Tràng Xá (Võ Nhai) cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

Không chỉ là niềm tự hào của người dân Tràng Xá, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, được sự quan tâm của các cấp, ngành, huyện vùng cao Võ Nhai ngày nay đã và đang có những đổi thay rõ rệt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thuận lợi, môi trường đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, diện mạo vùng cao, miền núi có nhiều thay đổi…

Trong giai đoạn 2016-2020, giá trị các ngành sản xuất kinh tế chủ yếu của huyện tăng bình quân 6,4%/năm; trong cơ cấu kinh tế, nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 38%, công nghiệp - xây dựng chiếm 54,8%, thương mại dịch vụ chiếm 6,9%; giá trị công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 7%/năm; sản lương thực có hạt hằng năm đạt trên 51,4 nghìn tấn; thu cân đối ngân sách tăng bình quân 13%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,72%/năm. Đến nay, toàn huyện đã có 6/14 xã về đích nông thôn mới; 100% các xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế theo bộ tiêu chí mới; 99,7% số hộ dân được dùng điện lưới Quốc gia; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 71,6% trường học đạt chuẩn Quốc gia…

Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã chuyển dần sang phát triển theo hướng hàng hóa, hình thành một số vùng sản xuất tập trung theo hướng canh tác cải tiến, sử dụng các giống cây cho năng suất, chất lượng cao. Cây ăn quả và chè trở thành những cây trồng mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho người dân. Diện tích chè toàn huyện đến nay đạt trên 1,3 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt gần 12,4 nghìn tấn/năm, tăng hơn 84% so với năm 2016; tổng diện tích cây ăn quả đạt trên 1,5 nghìn ha, tăng 57% so với năm 2016 và hình thành một số vùng sản xuất cây ăn quả tập trung như: Na ở xã La Hiên, bưởi ở xã Tràng Xá, ổi ở xã Phú Thượng… Giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất trồng trọt hiện đạt trên 76 triệu đồng/năm. 

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã xây dựng được trên 212km đường giao thông, 14 cầu tràn, trên 14km kênh mương, 4 đập dâng, 9 nhà văn hóa xã, 81 nhà văn hóa xóm… Cũng trong giai đoạn này, toàn huyện đã hỗ trợ về nhà ở cho 600 hộ người có công; chi trả khoảng 13,5 tỷ đồng/năm tiền trợ cấp ưu đãi cho người có công; tổ chức đón tiếp, quy tập hài cốt 10 liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện…

Trao đổi với chúng tôi, bà Bùi Thị Sen, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai cho biết: Võ Nhai đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu tăng bình quân 7,1%/năm; nâng tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng lên 56%, thương mại dịch vụ lên 9% và nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 35%; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 8%/năm; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 3% trở lên... Toàn huyện phấn đấu, đến hết năm 2025 sẽ có 82% trường học đạt chuẩn Quốc gia, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới…