Trong chuyến công tác tại xã Bộc Nhiêu (Định Hóa), chúng tôi được anh Lê Đình Ngà, Chủ tịch UBND xã giới thiệu về Di tích lịch sử nơi thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367 nằm trong khuôn viên trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã. Địa điểm này mỗi năm đón hàng trăm lượt du khách thập phương đến ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng.
Anh Lê Đình Ngà chính là cháu nội của ông Lê Đình Ngôi, cán bộ lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử của sự kiện thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tại xã. Anh Ngà tâm sự: Ông nội mất đã lâu nhưng tôi vẫn nhớ câu chuyện ông kể về thời điểm thành lập Trung đoàn. Ngày đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đóng quân tại đây, cùng tham gia Lễ công bố Quyết định thành lập với khí thế hừng hực quyết tâm chiến thắng thực dân Pháp.
Lịch sử còn ghi, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 1/4/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký Quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367. Ngày 15/4/1953, tại khu rừng Khẩu Chùa thuộc xóm Chú, xã Bộc Nhiêu, trước toàn thể 2.700 cán bộ, chiến sĩ, Trung đoàn 367 đã được công bố Quyết định thành lập. Đây là trung đoàn pháo cao xạ chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sau khi thành lập, Trung đoàn hành quân sang nước bạn để tổ chức huấn luyện và tiếp nhận vũ khí mới. Hoàn thành huấn luyện, Trung đoàn về nước sẵn sàng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Với quyết tâm cắt đứt “Cầu hàng không” tiếp viện của địch, bám sát và yểm trợ đội hình tiến công của bộ binh, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367 đã cùng các đơn vị dùng sức người kéo từng khẩu pháo vượt qua nhiều đồi cao, vực thẳm để vào trận địa; rồi lại kéo từng khẩu pháo ra chuẩn bị lại để thực hiện phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”.
Ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngày 14/3/1954, Đại đội Pháo cao xạ 815 nổ súng bắn rơi tại chỗ chiếc máy bay trinh sát “Mo-ran” - chiếc máy bay đầu tiên của địch bị bắn rơi tại Điện Biên Phủ. Đại đội 815 được Ban Chỉ huy Trung đoàn tặng cờ “Lập công đầu” và được Bộ Tổng tư lệnh thưởng Huân chương Quân công hạng Ba.
Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, quân ta đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay, bắt sống và tiêu diệt nhiều giặc lái. Riêng Trung đoàn 367 trong chiến đấu đã bắn rơi 52 máy bay địch.
Đến đầu những năm 1960, lực lượng Pháo cao xạ đã phát triển thành một binh chủng hiện đại, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt của Quân chủng Phòng không - Không quân trong chiến tranh nhân dân chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhằm ghi nhận những chiến công xuất sắc và sự hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367, Di tích lịch sử nơi thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Đoàn đại biểu Hội Nhà báo tỉnh chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Trung đoàn 367.
Năm 2003, Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với chính quyền địa phương triển khai xây dựng công trình bia lưu niệm. Qua hơn 13 năm sử dụng, công trình đã xuống cấp nên đến năm 2016, Quân chủng quyết định xây mới bia lưu niệm Trung đoàn 367 khang trang, phù hợp với quy hoạch chung trong khuôn viên trụ sở Đảng ủy - HĐND - UBND xã.
Mặc dù, bia di tích đã được xây dựng khang trang, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp thế hệ, nhưng người dân xã Bộc Nhiêu vẫn còn trăn trở: Nơi hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367 năm xưa nghe công bố Quyết định nay thuộc đất của gia đình ông Lê Văn Cường, Bí thư Chi bộ xóm Chú 2, cách trụ sở UBND xã 1km. Năm xưa, do nhiều yếu tố, điều kiện bất lợi nên chưa thể xây bia trên đúng mảnh đất ấy.
Ông Lê Văn Cường nói: Gia đình tôi có tâm nguyện hiến một phần đất để xây dựng công trình kết nối với địa điểm bia di tích tại trụ sở xã nhằm góp phần lưu giữ giá trị lịch sử đến muôn đời sau.