ATK Định Hóa: Giá trị lớn cần được nâng tầm

06:53, 24/11/2021

Di sản thế giới là một điểm mốc hoặc một khu vực được lựa chọn bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) có giá trị nổi bật về văn hóa, lịch sử, khoa học hoặc hình thức có ý nghĩa khác và được pháp luật bảo vệ bởi các điều ước Quốc tế. Đối chiếu với các quy định của UNESCO, Di tích Quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Định Hóa hội tụ đủ các điều kiện để được công nhận là Di sản văn hóa - lịch sử thế giới. 

Năm 1981, Khu di tích ATK Định Hóa được xếp hạng Di tích Quốc gia. ATK Định Hóa là tâm điểm của quần thể di tích lịch sử chiến tranh nhân dân có "một không hai" của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; là căn cứ địa cách mạng của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ cùng các cơ quan đầu não của cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

Xét ở góc độ văn hóa và lịch sử, nhiều ý kiến cho rằng,  ATK Định Hóa không chỉ là tài sản và di tích quý báu của Việt Nam, mà còn xứng đáng trở thành Di sản của nhân loại. Bởi chính lịch sử và văn hóa gìn giữ nền độc lập của dân tộc Việt Nam đã nói lên điều đó. ATK Định Hóa có đầy đủ căn cứ và tiêu chuẩn để được ghi tên vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO, đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về Di sản văn hóa - lịch sử.

Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa là địa danh cấu trúc tự nhiên của cảnh quan thiên nhiên có giá trị nổi bật toàn cầu về bản địa, địa danh xây dựng lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách nô dịch thuộc địa, đưa chính quyền về tay nhân dân. Là nơi đắc địa gắn kết chặt chẽ với nhau để xây lập căn cứ kháng chiến theo vị trí địa chiến lược phù hợp với chiến tranh nhân dân, kiên cường chống thực dân xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do dân tộc.

So với tiêu chuẩn Di sản văn hóa theo quy định của UNESCO, thì Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa là minh chứng hùng hồn, tiêu biểu về ý chí và quyết tâm của một dân tộc, tuy nhỏ bé nhưng biết đoàn kết đứng lên, dưới sự dắt dẫn của Đảng Cộng sản để giải phóng mình bằng nghệ thuật quân sự giàu sức sáng tạo của chiến tranh nhân dân. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã minh chứng cho sự đúng đắn của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đó là nghệ thuật đặc biệt rất riêng của Việt Nam - lấy ít địch nhiều, lấy nhu thắng cương, lấy yếu thắng mạnh; được phát huy từ truyền thống, kinh nghiệm chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích của ông cha ta trong chiến thắng Bạch Đằng, ải Chi Lăng, Rạch Gầm - Xoài Mút, Ngọc Hồi - Đống Đa…

Du khách tham quan gian trưng bày ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà trưng bày ATK Định Hóa. Ảnh: T.L

 

Xét về tiêu chuẩn văn hóa tự nhiên, Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa chứa đựng trong nó các hiện tượng tự nhiên, núi sông hùng vỹ, địa hình hiểm trở, lại là địa bàn trọng yếu, bức tường thành bất khả xâm phạm. Mối quan hệ của Di tích với thiên nhiên là tất yếu, nương tựa vào nhau như một lẽ tự nhiên.

Không thể không đề cập đến một thực tế, địa danh, sông núi và hệ động thực vật phong phú đa dạng của nơi đây đã và đang có nguy cơ bị hủy hoại vì biến đổi khí hậu và tác động của con người. Văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng ATK Định Hóa cũng đang chịu không ít tác động của thời kỳ hội nhập và kinh tế thị trường. Bởi vậy việc khẳng định và được UNESCO công nhận vùng Di sản sẽ thúc đẩy sự quan tâm của toàn xã hội, nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong và ngoài nước, góp phần  tích cực bảo vệ, tôn tạo, lan tỏa truyền thống, ý nghĩa văn hóa - lịch sử của Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa.

Xét về yếu tố quốc tế, ATK Định Hóa là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ đã có các hoạt động mở đầu cho nền ngoại giao Việt Nam. Vào tháng 5-1947, tại thị xã Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp Pôn Muýt, đại diện của Chính phủ Pháp trao tối hậu thư đòi giải giáp quân đội. Đồng chí Lê-ô-phi-ghơ, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, Nghị sĩ Quốc hội Pháp, một người nhiệt huyết ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp, làm việc và đi thăm nhiều cơ quan, đơn vị ở ATK Định Hóa. Hoàng thân Xuphanuvông, Chủ tịch Mặt trận kháng chiến Lào; đồng chí Sơn Ngọc Minh, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia; các cố vấn quân sự Trung Quốc; đạo diễn Liên Xô Rôman Cácmen,... đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp ở ATK Định Hóa.

Từ ATK Định Hóa, Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã lên đường dự Hội nghị Giơ-ne-vơ (được tổ chức tại thành phố Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ từ ngày 26/4/1954). Sau khi ký kết Hiệp định tại Hội nghị về vấn đề đình chiến, khôi phục hòa bình ở Đông Dương (ngày 20/7/1954 ), Đoàn đã quay về ATK Định Hóa báo cáo với Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi đã giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và sự can thiệp của đế quốc Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chúng trên phạm vi toàn thế giới; đồng thời báo hiệu sự thất bại của chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Đây là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới...

Xét trên mọi phương diện và theo các tiêu chí của UNESCO, Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa đã hội tụ đủ điều kiện để được xem xét công nhận là Di sản văn hóa - lịch sử thế giới.