Chợ trời và những chiếc “SH” thời bao cấp

03:21, 12/12/2021

Với nhiều người dân sống ở thành phố Thái Nguyên thời thời bao cấp, nhắc đến cái tên Chợ trời hầu như ai cũng biết, đó là một cái chợ bán xe đạp ở… ngoài trời. Với tôi, chợ trời ở Thái Nguyên thời bao cấp thật ấn tượng và mang một ký ức sâu đậm với nhiều kỷ niệm đẹp của những ngày thơ ấu.

Chợ xe (còn gọi là Chợ trời) thời đó nằm ở cuối đường Quy Bơ (nay là đường Minh Cầu) giáp với đường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên (người dân quen gọi là “đường vỡ”). Chẳng biết chợ có từ khi nào, một tháng họp mấy lần, chỉ biết rằng chợ họp theo phiên rất đều đặn. Chợ họp ngoài trời rộng khoảng chừng vài trăm mét vuông, là nơi tụ họp của những người chuyên mua, bán xe đạp. Mỗi phiên chợ có đến vài trăm chiếc xe đạp đủ loại, đủ các hãng sản xuất, từ cũ cho đến mới toanh.

Trong chợ, đầu bảng lúc bấy giờ (loại trừ xe đạp ngoại, vì rất hiếm) được ưa chuộng nhất là dòng xe của Quốc doanh sản xuất mang các nhãn hiệu: Thống Nhất, Thanh Niên, Hữu Nghị, Độc Lập… rồi đến các dòng xe khác: Bắc Thái, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội, xe ở các tỉnh miền Nam sản xuất, đặc biệt là Sài Gòn (vẫn hay gọi là xe miền Nam)... và cả những loại xe không tên tuổi, nhãn mác (gọi là xe dựng).

Với tôi thời đó, cứ mỗi lần chuẩn bị đến ngày phiên là lại háo hức để được đi chợ. Đến chợ không phải để mua bán xe mà chỉ là để được ngắm xe cho thỏa thích. Chợ họp từ sáng sớm, đến trưa thì tan dần. Cả buổi, tôi đi khắp chợ ngắm hết xe này đến xe khác, cho gần trưa thì về. Rồi đến phiên sau, lại háo hức đi chợ ngắm xe. Vì nhà nghèo, không có tiền mua xe, chỉ ngắm và ngắm xe như là một thú vui.

Chả riêng nhà tôi mà với nhiều người dân thời đó, sở hữu được chiếc xe đạp hiệu Thống Nhất hoặc loại tốt một chút là điều rất khó, thậm chí với nhiều gia đình xe đạp là thứ hàng xa xỉ. Ngày đó, gia đình nào mà có đến 2 chiếc xe đạp dựng trong nhà đã có thể được coi là khá giả và hãnh diện lắm, chưa nói đến là xe ngoại như: Peogeot, Favorite, diamond...

Nhiều nhà nghèo không có xe, toàn đi bộ, thi thoảng đi đâu xa mới dám sang anh em hoặc hàng xóm mượn xe, đi xong về lại lau chùi sạch sẽ rồi mới mang trả.

Vì xe đạp quý nên việc giữ gìn xe đạp còn cẩn thận hơn cả xe máy bây giờ. Hễ đi đâu về là phải lau chùi sạch sẽ ngay, nhất là những hôm trời mưa. Nhiều người cẩn thận không dám đi xe vào ngày mưa vì sợ xe bị han gỉ. Có người xe về đến nhà, nếu không đi đâu nữa là móc treo cả xe lên.

Cán bộ, công nhân thời đó phải có đủ 15 năm đến 20 năm công tác mới được phân phối 1 chiếc xe đạp Thống Nhất. Năm 1982, mẹ tôi đủ tiêu chuẩn được phân phối 1 chiếc xe Thống Nhất. Ngày đi lấy xe cả nhà vui mừng, phấn chấn như thể “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”.

Xe đạp quý là thế, nên bây giờ, nhắc lại ký ức, nhiều người vẫn ví von rằng xe đạp thời đó còn hơn cả xe máy SH bây giờ.

Giờ đây, kinh tế phát triển, xe máy, ô tô xuất hiện ngày càng nhiều trên đường, thì xe đạp lại ít đi. Nhưng thế hệ của tôi và nhiều thế hệ trước đó không thể quên quá khứ một thời gắn với nhiều kỷ niệm về chợ trời bán xe đạp.

Và tôi chợt nghĩ, nếu như trong thành phố có một chợ trời kiểu xưa để những người thời nay có cùng sở thích tụ họp mua, bán, sưu tầm những chiếc xe đạp thời đó, kể cũng thú vị lắm.