“Thái Nguyên ơi sao mà nhớ mà thương, yêu tha thiết những ráng chiều quê hương…”, Thái Nguyên có gì mà nhớ thương dìu dặt thế? Vì mảnh đất này “trên có núi, dưới có sông” với bao ân tình 9 năm kháng Pháp, hay bởi đất này đã gắn liền với đúc kết “chè Thái, gái Tuyên” tự bao đời…
Dấu ấn thời quá khứ
Tháng 11-2021, chúng tôi hoàn thành cuốn sách “Thái Nguyên trong dòng chảy lịch sử đất nước” đúng vào dịp tỉnh kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh. Nhiều người khi đọc sách mới “vỡ” rằng, hóa ra Thái Nguyên đã có bề dày lịch sử hàng trăm năm, cùng với sự hình thành và phát triển của “đất nước các vua Hùng” thì mảnh đất Thái Nguyên cũng trường tồn cùng năm tháng, âm thầm hòa vào mạch nguồn lịch sử nước nhà.
“Cỗ máy thời gian” xin dừng chân ở cột mốc từ 7 vạn đến 1 vạn năm trước Công nguyên, Thái Nguyên đã là nơi cư trú của người Việt cổ. Và người dân Thái Nguyên ngay từ trước Công nguyên đã tham gia vào cuộc kháng chiến đầu tiên của dân tộc chống giặc nhà Tần xâm lược. Mùa xuân năm 40 sau Công nguyên, nhân dân Thái Nguyên đã hăng hái tham gia Cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng đánh đổ bộ máy cai trị của nhà Hán ở Giao Chỉ.
Lịch sử kể rằng, từ khi nhà Lý định đô ở Thăng Long, Thái Nguyên trở thành phên dậu trực tiếp che chắn phía Bắc Kinh thành, trong cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược (1076-1077), phần đất phía Nam Thái Nguyên từng là địa đầu phòng tuyến sông Cầu - nơi diễn ra những trận đánh ác liệt giữa quân dân nhà Lý với giặc Tống. Trong thế kỷ thứ XII, Dương Tự Minh, quê xã Quan Triều, phủ Phú Lương đã đưa quân đi đánh giặc xâm lược Tống ở Quảng Nguyên đem lại bình yên cho dân chúng miền biên ải. Với chính sách “nhu viễn” của thời Lý cùng tài năng và đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm, Dương Minh được hai vua Lý Nhân Tông và Lý Anh Tông gả hai công chúa Diên Bình và Thiều Dung, được sắc phong là Thượng đẳng thần và được nhân dân lập đền thờ ở chân núi Đuổm (Phú Lương) để đời đời tưởng nhớ.
Đầu thế kỷ thứ XV, giặc Minh xâm chiếm nước ta, nhân dân Thái Nguyên lại một lòng đứng lên chống giặc, tiêu biểu nhất là Lưu Nhân Chú. Ông là một vị tướng tài ba thao lược, từng chỉ huy nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch, là chủ tướng trận phục kích ở ải Chi Lăng và trận tiêu diệt toàn bộ viện binh nhà Minh trên cánh đồng Càn Trạm, Xuơng Giang năm 1427. Và một sự kiện mãi ghi vào lịch sử của dân tộc là cuộc Khởi nghĩa do Lương Ngọc Quyến và Trịnh Văn Cấn lãnh đạo, nổ ra vào đêm 30/8/1917, trở thành một trong những sự kiện lớn có ảnh hưởng sâu sắc trên phạm vi toàn quốc.
Những dòng lấp lánh
Dòng chảy lịch sử Thái Nguyên lấp lánh nhất là thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám và trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Từ năm 1939 đến trước Cách mạng Tháng Tám, Tổng Bí thư Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt và nhiều đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thường xuyên qua lại hoạt động phát triển lực lượng cách mạng ở Thái Nguyên. Vùng đất Tiên Phong (Phổ Yên), Kha Sơn (Phú Bình) được xây dựng thành ATK II của Trung ương. Tháng 9-1941, Đội Cứu quốc quân II - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam ra đời tại rừng Khuôn Mánh, Tràng xã (Võ Nhai). Ngày 15/5/1945, tại Định Biên Thượng (Định Hóa), Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu Quốc quân hợp nhất thành Việt Nam Giải phóng quân.
Đặc biệt nhờ địa thế “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, trong 9 năm chống thực dân Pháp, Thái Nguyên được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm căn cứ địa cách mạng, xây dựng ATK với trung tâm là Định Hóa. Đây là nơi ra đời nhiều quyết định của Trung ương nhằm đẩy mạnh sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”. Cũng tại nơi này, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng cuộc tiến công Thu Đông năm 1947 của thực dân Pháp lên Việt Bắc; quyết định mở Chiến dịch Biên giới 1950; bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân năm 1954 và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc 9 năm chống Pháp trường kỳ…
Những tòa nhà cao tầng xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Ảnh: Phan Thái
Ai đó đã nói ước mơ khác với nằm mơ, bởi nằm mơ thì tỉnh giấc sẽ tan thành hư không, còn ước mơ đẩy lên cao trào sẽ thành khát vọng. Có khát vọng thì con người mới nỗ lực để chinh phục! Khát vọng của Thái Nguyên là xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và Vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030”; là xây dựng “Thủ đô kháng chiến” năm xưa trở thành “một trong những tỉnh giàu có và phồn thịnh nhất miền Bắc nước ta” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Thái Nguyên lần cuối (ngày 01/01/1964). Khát vọng ấy đang song hành cùng trăn trở: Truyền thống đã có, vốn quý đã có, được tích luỹ hằng trăm năm, nhưng nếu không biết cách phát huy thì truyền thống chỉ mãi là truyền thống, vốn quý mãi chỉ là vốn.
Ngày mai bắt đầu từ hôm nay, còn ngày hôm nay bắt đầu từ hôm qua, nhắc lại quá khứ để người Thái Nguyên trân trọng ngày hôm qua sẽ biết làm gì để bứt phá từ tích luỹ trăm năm.
“Cốt cách bao trùm hai tiếng Thái Nguyên vẫn là một vùng đất lành, rộng lớn, đầu nguồn và địa linh, nhân kiệt...” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hán Nôm học Phạm Thuỳ Vinh.