Tham dự “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” năm 2021 được tổ chức tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội giao nhiệm vụ xây dựng Định Hóa trở thành huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2023. Thực hiện chỉ đạo đó, huyện Định Hóa đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch.
Nhiệm vụ lớn với địa phương
Định Hóa có 23 đơn vị hành chính (22 xã và 1 thị trấn). Dân số toàn huyện là 90,5 nghìn người, trong đó khu vực nông thôn có khoảng 83 nghìn người, chiếm tới 91,71%. Lao động nông nghiệp chiếm trên 80% tổng số lao động, chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo.
Toàn huyện có 17 dân tộcchung sống, trong đó dân tộc Tày chiếm tỷ lệ lớn nhất với 46%. Đến hết năm 2021, huyện có 11/22 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều đạt từ 11 tiêu chí trở lên, bình quân đạt 15,8 tiêu chí/xã.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 46 triệu/người/năm, tỉ lệ hộ nghèo cuối giai đoạn 2016-2021 giảm còn 5,1%, hạ tầng giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư và nâng cấp, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, an ninh - quốc phòng được đảm bảo, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới theo hướng văn minh, tiến bộ…
Tuy vậy, việc xây dựng Định Hóa trở thành huyện NTM vào năm 2023 vẫn là nhiệm vụ rất lớn, một trọng trách của địa phương. Cụ thể, huyện vẫn còn 11/22 xã vẫn đang trong quá trình xây dựng các tiêu chí của xã NTM. Trong bộ 9 tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM thì hiện nay Định Hóa mới đạt 2 (thủy lợi và phòng chống thiên tai, chất lượng môi trường sống); 7 tiêu chí chưa đạt gồm: Quy hoạch, giao thông, điện, kinh tế, môi trường, y tế - văn hóa - giáo dục, an ninh trật tự - hành chính công.
Xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn mới vào xóm Cà Đơ, xã Lam Vỹ (Định Hóa).
Để hoàn thành mục tiêu 100% xã đạt NTM, trong năm 2022, huyện Định Hóa phấn đấu 5 xã về đích (Định Biên, Bình Yên, Phú Tiến, Điềm Mặc, Tân Dương); năm 2023, 6 xã còn lại về đích (Tân Thịnh, Quy Kỳ, Linh Thông, Bảo Linh, Lam Vỹ, Bình Thành). Đồng thời, huyện xây dựng thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: Sơn Phú, Phú Đình và Kim Phượng.
Đồng bộ giải pháp
Với khối lượng công việc đặc biệt lớn trong thời gian ngắn, việc xây dựng “Đề án xây dựng huyện Định Hóa đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2023” là hết sức cần thiết. Ông Nguyễn Minh Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Hóa cho biết: Thông qua Đề án, huyện đã xây dựng 7 nhóm giải pháp để thực hiện, đáng chú ý như: Quy hoạch nông thôn gắn với quy hoạch phát triển đô thị; thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, huyện đang gấp rút chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để đón đầu tư vào hạ tầng các cụm công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao... Đồng thời huy động nguồn lực thực hiện những tiêu chí khó, như: Phát triển hạ tầng nông thôn; xóa 690 nhà ở dột nát (đối với 11 xã chưa đạt chuẩn NTM) để đảm bảo tiêu chí nhà ở dân cư; xây mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 10 nhà văn hóa xã, 3 sân thể thao xã và 99 nhà văn hóa xóm…
Với quyết tâm cao độ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn, tin tưởng rằng, huyện Định Hóa sẽ về đúng hẹn, trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023.
Để hoàn thành xây dựng huyện Định Hóa trở thành huyện nông thôn mới, dự kiến tổng nguồn vốn thực hiện là trên 1.940 tỷ đồng. Trong đó, vốn từ ngân sách tỉnh và các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách huyện, ngân sách xã và nhân dân đóng góp là 943,1 tỷ đồng, chiếm 48,6%. Vốn tín dụng (ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp vay phát triển sản xuất) là 300 tỷ đồng, chiếm 15,5%. Còn lại 35,9% là nguồn vốn đề nghị Quốc hội, các ban, bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp Trung ương hỗ trợ bằng các công trình có tổng trị giá khoảng 697,5 tỷ đồng. |